![]() |
Các đại biểu châu Phi tham quan khu giới thiệu hàng xuất khẩu của VN. |
Theo ông Nguyễn Quang Thuật, Tổng giám đốc Công ty Lương thực và Công nghiệp thực phẩm (Foodinco), nhu cầu về nông sản của các nước châu Phi là rất lớn, trong khi Việt Nam lại đang muốn bán gạo cho nông dân. Tuy nhiên, theo ông Thuật, cái khó là ở chỗ, vì vị trí địa lý xa xôi, nếu muốn mang hàng sang châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam thường phải thuê tàu thủy với chi phí khá cao. Trong khi đó, khả năng tài chính hạn hẹp không cho phép các đối tác nơi đây mua cả chuyến hàng. "Cả một tàu gạo của chúng tôi trị giá tới 2 triệu USD, họ chỉ mua khoảng 300.000-400.000 USD. Vậy số còn lại, chúng tôi xử lý thế nào?", ông nói và cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ vốn, giúp doanh nghiệp xây dựng kho ngoại quan để dự trữ gạo bán cho các nước châu Phi.
Trả lời VnExpress về kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phùng Khắc Kế cho rằng, Nhà nước chỉ dành lãi suất ưu đãi ở một mức nhất định đối với một vài chương trình, dự án cụ thể vì khả năng ngân sách có hạn. Theo Phó thống đốc, không riêng gì thị trường châu Phi mà kể cả các thị trường khác, doanh nghiệp cần chủ động trong kinh doanh và tự chịu trách nhiệm với sự lỗ lãi của chính đơn vị mình, chứ không thể trông chờ vào các hỗ trợ về tài chính từ Chính phủ. |
Hơn 90 doanh nghiệp Việt Nam đến tham dự hội thảo cũng cùng chung tâm trạng với Foodinco. Dù rất mong muốn khai phá thị trường mới, song các đơn vị cho rằng, họ không đủ vốn để chấp nhận thanh toán chậm, trong khi đối tác châu Phi lại khó có thể mua hàng trả tiền ngay. Vì vậy, để vượt qua những bước làm ăn khó khăn ban đầu, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng cho vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi để tiếp thị và bán hàng sang châu Phi.
Ngoài những khó khăn về tài chính, sự hạn chế về thông tin cũng là một trở ngại đối với doanh nghiệp của cả hai bên. Theo ông Phạm Kỳ Trung, Giám đốc kinh doanh Công ty chế biến và xuất khẩu Lâm Tuệ, châu Phi là thị trường dễ tính và hợp với khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Song, do nguồn thông tin quá ít ỏi, Lâm Tuệ cũng như nhiều đơn vị khác chưa thực sự hiểu biết về thị trường cũng như khả năng của các đối tác này. "Chúng tôi đã đầu tư hơn 10 triệu đồng in logo, trưng bày sản phẩm tại Hội thảo với mong muốn giới thiệu khả năng sản xuất và kinh doanh sản phẩm của mình với các doanh nghiệp bạn. Đáng tiếc là không có một công ty nào của châu Phi tham gia hội thảo", ông Trung nói.
Tổng công ty Than Việt Nam (Vinacoal) cũng coi châu Phi là một đích nhắm quan trọng trong việc hợp tác chuyển giao công nghệ, mua bán thiết bị, mua bán than. Theo phó phòng Quan hệ Quốc tế Vinacoal Trần Miên, các nước châu lục đen, đặc biệt là Nam Phi, có trữ lượng khoáng sản rất lớn, truyền thống khai thác lâu đời và có chủng loại than gần giống với Việt Nam. Tuy nhiên, ông Miên cho rằng, cơ sở hạ tầng, công nghệ của các nước châu Phi rất thấp, trữ lượng khoáng sản lớn song kỹ thuật khai thác kém. Ông hy vọng, tính tương thích giữa Việt Nam và các nước châu Phi sẽ giúp doanh nghiệp hai bên sớm tìm tiếng nói chung, khắc phục những khó khăn để cùng nhau hợp tác lâu dài.
Những khó khăn mà doanh nghiệp đưa ra, bản thân Thứ trưởng Thương mại Việt Nam Đỗ Như Đính cũng nêu rất rõ trong phần thảo luận sáng nay. Theo ông, điều đó có thể lý giải tại sao quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam và các nước châu Phi chưa phát triển, khối lượng hàng hóa trao đổi còn quá nhỏ bé. Vì vậy, ông gợi ý doanh nghiệp hai bên cần gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về khả năng, nhu cầu, giới thiệu về thị hiếu người tiêu dùng, các đặc điểm cần chú ý về tôn giáo, thói quen của người tiêu dùng mỗi nước.
Theo số liệu thống kê, hàng năm Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Phi từ 170 đến 200 triệu USD, chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chỉ bằng 0,1% tổng giá trị nhập khẩu của châu lục này. Nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi còn thấp hơn nữa, với kim ngạch 43 triệu USD năm 2001, chiếm 0,3% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam và 0,03% xuất khẩu của châu Phi. Riêng mặt hàng gạo, hàng năm châu Phi phải nhập khẩu khoảng 6-7 triệu tấn. Nhưng Việt Nam chỉ có thể đáp ứng từ 500.000 đến 1 triệu tấn mà chủ yếu vẫn phải qua công ty của nước thứ 3. |
Song Linh