Nhận xét này được ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện chiến lược thương hiệu & cạnh tranh nêu tại hội thảo phát triển thương mại, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp, ngày 25/9.
Ông Thành cho rằng, cách nhìn về xúc tiến thương mại, thị trường hiện nay không chỉ bó hẹp ở một địa phương hay một quốc gia, mà còn là thế giới và đối tác. Trong một thế giới đổi thay như hiện nay, muốn đi nhanh phải đi với thị trường và những xu thế mới. Với công nghệ hiện nay, không chỉ bán cái thị trường cần, mà phải biết cả tạo dựng cả thị trường. Điều này khuyến khích sự sáng tạo.
"Tỉnh nào cũng có lợi thế so sánh thương mại riêng, nhưng muốn tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, cần lưu ý đảm bảo quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất phải tối ưu hóa, kết nối hệ thống phân phối, nhìn nhận đầy đủ các biến số thị trường về thị hiếu, thu nhập...", ông Thành chia sẻ.
Trong khi đó Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn chứng cách chinh phục thị trường Trung Đông của doanh nghiệp sản xuất thảm Trung Quốc và cho rằng, càng hiểu rõ về thị trường, doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội.
"Bằng cách gắn chiếc la bàn vào mỗi tấm thảm, doanh nghiệp Trung Quốc đã thắng các doanh nghiệp Việt Nam, Thái Lan trong kinh doanh mặt hàng này tại thị trường Trung Đông... Càng hiểu rõ về thị trường, càng có nhiều cơ hội", Thứ trưởng Công Thương nêu.
Theo ông Hải, với lợi thế tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng Việt vì thế được hưởng lợi khi thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng về 0%. Nhưng đây cũng chính là điểm bất lợi nếu doanh nghiệp không chuyển mình để chinh phục thị trường mới.
"Am hiểu về thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là vấn đề sống còn để chinh phục người tiêu dùng trực tiếp của thị trường đó", ông Hải nói, đồng thời nhấn mạnh, thực tế này không chỉ đúng khi phát triển thị trường nội địa, quốc tế.
Nhưng hiểu đúng về thị hiếu thị trường mới chỉ góp một nửa, muốn có chỗ đứng ở thị trường, sản phẩm phải có bản sắc. Ông Trịnh Quốc Đạt - Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam lưu ý, loại sản phẩm này phải giữ được bản sắc văn hoá vùng miền vì đây sẽ là yếu tố gia tăng hấp dẫn khách hàng. Ông cho rằng, sản phẩm làng nghề đang đứng trước cạnh tranh khốc liệt từ chất lượng đến giá cả. Vì thế, muốn tăng tiêu thụ trong nước, xuất khẩu thì sản phẩm làng nghề phải cải tiến mẫu mã, thiết kế phù hợp với từng khách hàng, vùng, thị trường và giữ bản sắc riêng văn hoá vùng miền.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phú. Số liệu từ Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng này năm 2018 đạt hơn 846.000 tỷ đồng, tăng 8,38% so với năm 2017. Giai đoạn 5 năm (2014-2018), tổng mức bán lẻ của vùng tăng bình quân 10,74%.
Anh Minh