Tâm lý mua sắm thoải mái hơn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của giãn cách xã hội vì dịch bệnh là một trong những lý do khiến nhiều người kinh doanh thời trang kỳ vọng vào mùa mua sắm Tết. Chưa kể, cuối năm là thời điểm "vàng" với hầu hết doanh nghiệp, khi người dân luôn có nhu cầu nới rộng chi tiêu mua sắm sau một năm làm việc và tích lũy.
Tâm lý mặc đẹp đón Tết
Quần áo là một trong những mặt hàng được mua sắm nhiều nhất trước mỗi dịp Tết, bên cạnh thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống... Với tâm lý Tết phải đẹp, hầu hết mọi người đều có xu hướng sắm quần áo mới cho mình và người thân. Thậm chí, không ít người sẵn sàng chi mạnh cho các mặt hàng cao cấp với suy nghĩ "cả năm chỉ có một ngày Tết".
"Sắm sửa quần áo mới cho dịp Tết đã trở thành nét văn hóa của người Việt. Tôi nghĩ rằng, không có lý do gì để không làm đẹp cho bản thân, dù Tết này bạn có thể ở nhà nhiều hơn vì dịch bệnh", chị Phạm Dung (Hà Nội) - chủ một cửa hàng thời trang bày tỏ sự lạc quan về thị trường mua sắm thời trang trước Tết.
Cũng theo chị, mùa Tết năm nay, nhu cầu cho mặt hàng này có thể không đột biến như mọi năm nhưng vẫn là mùa cao điểm, nhất là khi người dân cởi mở hơn trong chi tiêu sau thời gian dài gián đoạn.
Với suy nghĩ mọi người sẽ vẫn tích cực mua sắm quần áo trước thềm năm mới, chị Dung lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tập trung vào các sản phẩm chủ lực cho Tết như áo dài cách tân, váy áo, xen kẽ hàng mùa vụ như len, phao, dạ, nhung...
Anh Phạm Hải (TP HCM) - quản lý một shop phụ kiện và giày dép trên thương mại điện tử cũng tất bận chuẩn bị hàng hóa phục vụ mùa mua sắm Tết. "Dịp sát Tết bao giờ cũng là cao điểm mua sắm trong năm. Dù mùa mua sắm năm nay chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tôi cho rằng, đây vẫn là thời điểm mà người mua chịu chi nhiều nhất với tâm lý chuẩn bị cho năm mới", anh Hải chia sẻ.
Người bán tích cực chuẩn bị hàng Tết
Đánh giá nhu cầu mua sắm của người dân sẽ dồn vào dịp cuối năm, anh Hải chủ động chuẩn bị hàng hóa cũng như nguồn lực cho giai đoạn cao điểm. Theo đó, anh tập trung vào các sản phẩm chủ lực là phụ kiện giày dép, ổn định nguồn hàng. Anh cũng mới hợp tác mở xưởng tại TP HCM để sản xuất giày cao gót, sandal cho chị em, tránh phụ thuộc vào các nguồn hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, do kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nên anh Hải cũng không phải lo lắng về chi phí mặt bằng hay thuê nhân viên trực tại shop như trước đây. "Đối với kinh doanh trên thương mại điện tử, tôi chỉ cần đăng ký gian hàng và tập trung chăm sóc sản phẩm, học cách tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm. Tôi đang tích cực tham gia các chương trình khuyến mãi của sàn, thu thập bộ huy hiệu Thăng hạng shop xịn từ Lazada để có cơ hội tăng trưởng đơn hàng", anh Hải chia sẻ.
Sau 11 tháng lên sàn thương mại điện tử, anh quyết định đóng hai cửa hàng kinh doanh truyền thống, chuyển hướng sang tập trung kinh doanh online. Doanh số của cửa hàng trong tháng gần nhất tăng trưởng ở mức 85%. Lượng đơn hàng trong lễ hội mua sắm "Tết mới, sale to" tăng khoảng 400-500%, đạt khoảng 500 đơn một ngày. Khách hàng của anh Hải tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam, chiếm khoảng 70%.
Cũng như anh Hải, chị Phạm Dung đang nỗ lực nắm bắt cơ hội tăng trưởng mùa mua sắm cuối năm trên sàn thương mại điện tử. Suốt 6 năm kinh doanh thời trang, chị Dung dành 5 năm bán hàng trên Facebook. Chị cũng mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Lazada từ lâu nhưng bỏ dở, không đầu tư. "Mãi đến khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, tôi mới nhận thấy tầm quan trọng của sàn thương mại điện tử và chăm chút hơn cho gian hàng trên Lazada. Và kết quả thu về đã hoàn toàn xứng đáng", chị cho biết.
Sau 6 tháng tập trung cho Lazada, gian hàng của chị tăng trưởng trên 10% với doanh thu gần 300 triệu đồng mỗi tháng. Chị cũng tích cực tham gia các chương trình lễ hội mua sắm của sàn này. Nhờ đó, trong dịp các lễ hội mua sắm, chị Dung ghi nhận lượng đơn hàng tăng nhanh, gấp 5-10 lần ngày bình thường.
Hiện, chị đã sẵn sàng cho mùa giảm giá cuối cùng của năm trước khi tạm dừng hoạt động để nghỉ Tết Nguyên đán. "Tôi đã lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị nguồn hàng và nhân sự để đảm bảo vận hành không ngắt quãng trong dịp mua sắm này", chị chia sẻ.
Mua sắm online vẫn là xu thế
Với sự phát triển của Internet và ảnh hưởng của dịch Covi-19, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến. Một trong những ưu điểm của hình thức mua sắm này là giúp người dùng tiết kiệm thời gian, mua sắm an toàn và có thể tận dụng nhiều ưu đãi từ các thương hiệu cũng như đối tác.
Theo Statista, thời trang là phân khúc thị trường thương mại điện tử B2C lớn nhất với quy mô toàn cầu năm 2021 là 759,5 tỷ USD. Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 7,18% của thời trang trực tuyến sẽ đưa ngành này lên mức quy mô hơn 1.000 tỷ USD.
Tại Việt Nam, nhu cầu mua sắm thời trang trực tuyến cũng tăng trưởng nhanh. Quý IV/2020, ngành hàng thời trang trở thành tâm điểm của thương mại điện tử khi có mức tăng mạnh về lượng truy cập website lên đến 33%, theo báo cáo của Báo cáo của iPrice Group và SimilarWeb. Một trong những nguyên nhân tạo nên cú hích này là do nhu cầu mặc đẹp có xu hướng đi lên vào dịp lễ hội cuối năm, và là thời điểm chuẩn bị cho năm mới, nhóm nghiên cứu của iPrice nhận định.
Theo đại diện Lazada, cuối năm là thời điểm vàng cho ngành hàng thương mại điện tử, các nhà bán hàng nên tận dụng mùa mua sắm này để bứt phá doanh thu, làm bàn đạp để đón năm mới khởi sắc hơn. Dịp này, Lazada cũng hỗ trợ nhà bán hàng tăng trưởng nhanh với chương trình "Thăng hạng shop xịn" và tiếp tục triển khai LazMaster - chương trình đào tạo thực chiến cho nhà bán hàng. Với 2 hình thức - kết nối theo nhóm và training 1:1, chương trình đã thu hút gần 1.000 thành viên tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trong vòng 4 tháng và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. LazMaster dự kiến ra mắt mùa 4 trong quý I/2022 để giúp đỡ thêm nhiều nhà bán hàng hơn.
"Tết mới, Sale to" lễ hội mua sắm cuối cùng trước khi đón năm Nhâm Dần trên Lazada, bắt đầu từ ngày 5/1 sẽ kéo dài đến hết ngày 14/1 nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho năm mới của người tiêu dùng Việt. Theo báo cáo từ Lazada, chỉ trong hai ngày đầu diễn ra chương trình, số lượng thương hiệu, nhà bán hàng tham gia lễ hội mua sắm tăng gấp 1,5 lần so với lễ hội mua sắm tết 2021. Từ đó, Lazada cũng ghi nhận số lượng khách hàng và đơn hàng bán ra trên toàn sàn tăng 1,5 lần.
Các xu hướng mua sắm nổi bật là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất với doanh thu tăng 2,5 lần. Bên cạnh đó là sản phẩm thuộc ngành hàng nhà cửa và đời sống. Các thiết bị hỗ trợ dọn dẹp và làm sạch chiếm ưu thế với mức tăng trưởng gấp 2 lần; song song đó sức mua các sản phẩm nội thất và vật dụng nhà bếp cũng gia tăng mạnh. Ngoài ra doanh thu ngành hàng bách hóa và mẹ & bé trong 2 ngày ngày đầu tiên của lễ hội mua sắm Tết ghi nhận mức tăng trưởng cao gần gấp 3 lần ngày thường.
Lazada kỳ vọng sẽ đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu mua sắm trước Tết của người dân để mọi gia đình có thể đón một Tết Nhâm Dần ấm áp và trọn vẹn.
Huyền Anh