Tháng 3 vừa qua, ông chủ Asanzo, Phạm Văn Tam thông báo tham gia chuỗi trang trại bò tổng quy mô 25.000 con của T&T 159 Group, chuẩn bị sản xuất phân bón hữu cơ theo mô hình tuần hoàn, không có nước thải, không có phế phẩm. Trong đó, nguồn bò nhập từ Australia, nuôi lấy thịt phục vụ thị trường lân cận. Phế phẩm, chất thải từ quá trình chăn nuôi sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất phân hữu cơ. Cỏ và rơm rạ cho bò ăn được thu gom từ người nông dân quanh vùng.
Bước đi của ông Tam phản ánh một xu hướng đang phát triển trong đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam đó là hình thành mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, và vất bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.
Một "ông lớn" dẫn đầu ngành sữa, Vinamilk cũng đang hướng đến sự cân bằng giữa tăng trưởng sản xuất, kinh doanh với trách nhiệm môi trường, xã hội. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong chuỗi kinh tế tuần hoàn là hướng đến không có gì bị loại bỏ. Ở các trang trại của Vinamilk, chất thải chăn nuôi thông qua công nghệ thu gom, xử lý hiện đại và hệ thống Biogas được phân tách thành phân bón rắn, hoặc xử lý thành phân bón lỏng để bón đồng cỏ và phục vụ trồng cây cải tạo đất.
Nhiều doanh nghiệp khác lấn sân nông nghiệp như THACO, Hòa Phát, FLC cũng từng bước áp dụng công nghệ cao từng bước theo định hướng bền vững trong sản xuất.
Không bỏ đi cái gì từ con bò
Theo định nghĩa hiện đại của các tổ chức thế giới, nông nghiệp tuần hoàn là giữ lại chất thải, phế thải từ nông nghiệp và quá trình sản xuất thực phẩm để biến thành năng lượng tái tạo hoặc sản phẩm khác. Cùng lúc đó, việc sản xuất sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nhu cầu phân bón nguồn gốc hoá học và tăng cường sử dụng nguồn thức ăn cho vật nuôi sẵn có xung quanh.
Tại châu Âu, mô hình này được nhiều chuyên gia đánh giá là giải pháp để phục hồi sau Covid-19, đã và đang thành công ở nhiều quốc gia phát triển như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Singapore... Ở Việt Nam, khái niệm này được nhắc đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây và manh nha ứng dụng bởi các doanh nghiệp lớn và có chiến lược bài bản về phát triển bền vững.
Theo báo cáo về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), khoảng 5 năm gần đây, Việt Nam luôn là nước nhập siêu về phân bón và thuốc trừ sâu, với mức chi hàng tỷ USD. Đi kèm với đó là các vấn đề môi trường. Ngân hàng Thế giới ước tính chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước dự báo sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP.
Trong bối cảnh nói trên, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh tại sự kiện ra mắt phân bón Ba Con Bò hôm 17/3: "Đã đến lúc chúng ta trân trọng, đánh giá cao các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất theo quy trình tuần hoàn". Ông nhắc lại yêu cầu của Chính phủ về việc hoạch định lại chiến lược phân bón quốc gia, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất phân bón hữu cơ, mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Với mô hình chuỗi trang trại khép kín của ông Tam và đối tác T&T 159 Group, nhờ tận dụng phế thải của bò, mỗi ngày đơn vị có thể cung cấp ra thị trường 400 tấn phân bón hữu cơ. Từ nguyên liệu tự nhiên, trải qua công thức phối trộn vi sinh độc quyền và dây chuyền công nghệ, phân bón hữu cơ Ba Con Bò đảm bảo chất lượng đồng nhất, tối ưu cho đất đai và cây trồng. Ông Tam cho biết, trong ba năm tới, doanh nghiệp sẽ tăng sản lượng sản xuất lên 100.000 tấn/năm.
Ông Lê Như Toản - Chủ tịch HĐQT T&T 159 Group cho biết mô hình liên kết cùng ông Tam và nhóm các nhà đầu tư được nhen nhóm, bắt đầu tìm hiểu trong suốt 2 năm, từ 2019. "Thế mạnh của T&T159 là đã thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi. Chúng tôi kỳ vọng việc hợp tác sẽ giúp nhân rộng được mô hình ra nhiều địa phương ở các giai đoạn tiếp theo, tạo dựng thế mạnh tập thể để cùng phát triển", ông chia sẻ.
Phân hữu cơ góp phần giải quyết bài toán chất thải trong ngành chăn nuôi. Nhờ công nghệ đệm sinh học cho chuồng trại, trang trại không có nước thải, đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh. "Chỉ cần áp dụng công nghệ, áp dụng khoa học vào quy trình sản xuất vừa đảm bảo khép kín quy trình vừa có thể tạo ra sản phẩm tốt từ những phế phẩm của trang trại", ông Tam nhấn mạnh.
Tháng 4 vừa qua, sản phẩm phân bón Ba Con Bò đã chính thức nhận giấy phép lưu hành trên toàn quốc. Theo ông Tam, đây là thành công ban đầu của đôi ngũ cán bộ kỹ sư trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm phân bón hữu cơ. Giấy phép cũng là cơ sở để phân bón Ba Con Bò sẽ lưu hành rộng rãi tại nhiều địa phương cả nước. Hiện doanh nghiệp xây dựng các kênh phân phối rộng khắp, trong đó khu vực phía Nam sẽ là thị trường tiên phong như: Tây Ninh, Bến Tre...
Trong khi đó ông Toản kỳ vọng, thông qua hệ thống đại lý ước tính 30.000 điểm bán hàng, sản phẩm phân bón hữu cơ của trang trại sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp sạch của người nông dân.
Thảo Miên
Video: Lộc Chung - Huy Mạnh