Trưa 27/8, sau hơn ba ngày TP HCM đổi mẫu giấy đi đường mới, trước Sở Công thương trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, nhiều người tập trung chờ được cấp giấy. Sảnh trước trụ sở cơ quan này bố trí sẵn tập phiếu để đại diện các doanh nghiệp ghi thông tin tên công ty, mã số thuế, mã số đăng ký cấp giấy, số điện thoại... chờ vào trong làm thủ tục. Trong buổi sáng, lượng người đến đông phải xếp hàng dài trên vỉa hè, lực lượng chức năng phải điều phối đảm bảo giãn cách.
Trước đó để được cấp giấy theo mẫu mới, doanh nghiệp phải đăng ký danh sách online, chờ Sở Công thương xét duyệt và phản hồi, hẹn đến trụ sở làm thủ tục. Một số doanh nghiệp chỉ mới gửi hồ sơ 1-2 ngày, nhưng có đơn vị đăng ký nhiều ngày mới được cấp. Chị Hà, đại diện một doanh nghiệp cung ứng thực phẩm cho các cửa hàng cho biết, từ lúc TP HCM triển khai giấy đi đường, đơn vị đăng ký online hai lần mới nhận phản hồi lên nhận giấy.
"Gửi hồ sơ đăng ký từ hôm 22/8 nhưng chờ mãi không nhận được trả lời, làm doanh nghiệp bị động suốt hai ngày. Đến hôm 24/8, công ty tiếp tục đăng ký một lần nữa mới nhận được thông báo qua Sở Công thương để cấp giấy", chị Hà nói và cho biết đơn vị chuyên hoạt động cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa... nên đăng ký được 8 giấy đi đường, nhiều hơn một số đơn vị khác. Dù vậy số lượng này vẫn chưa đáp ứng đủ nên chỉ bố trí giấy cho người làm việc xuất nhập khẩu để qua lại cảng biển. Các bộ phận khác đều làm việc "ba tại chỗ".
Anh Trương Vĩnh Đạt, đại diện Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, cũng cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm chăn nuôi, nhưng có các bộ phận làm dịch vụ xuất nhập khẩu. "Nhu cầu cũng khá lớn nhưng chỉ được cấp hai giấy đi đường nên đơn vị phải tính toán, cân đối hết mức các bộ phận", anh Đạt nói và lo lắng nhân sự ít sẽ khó đáp ứng khối lượng công việc nhiều.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá TP HCM Bùi Văn Quản cho biết, hiệp hội hiện có hơn 130 doanh nghiệp thành viên, nhưng được cấp gần 200 giấy đi đường. Số giấy được cấp chỉ bằng 50% so với nhu cầu nên việc phân chia cho các doanh nghiệp phải cân nhắc rất kỹ. Chỉ đơn vị thực sự cấp thiết mới được ưu tiên. "Phần lớn doanh nghiệp giao dịch bằng tiền mặt nên một đơn vị cần tối thiểu 3-5 người phục vụ các công việc điều hành, kế toán, giao dịch", ông Quản nói và cho biết do thiếu nhân sự, nhiều doanh nghiệp hiện tạm ngưng.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá thành phố, một bất cập khác là nhiều doanh nghiệp có xe được cấp mã QR và theo quy định, tài xế không bị kiểm tra giấy đi đường. Tuy nhiên tại một số chốt kiểm soát vẫn yêu cầu xuất trình và không có sẽ không được qua. Chưa kể, hiện việc vận chuyển hàng hoá qua nhiều nơi cần giấy xét nghiệm âm tính nCoV, nhưng do không có giấy đi đường nên tài xế gặp khó khăn khi muốn đến các địa điểm xét nghiệm.
Mẫu giấy mới do Công an TP HCM in, ký và đóng dấu, thay thế cho mẫu cũ hết hiệu lực từ hôm 25/8. Giấy đi đường hiện chỉ cấp cho cá nhân thuộc các nhóm công việc được phép đi lại. Trong đó, giấy do công an địa phương cấp chỉ đi trong khuôn khổ quận, huyện. Theo Công an thành phố, số lượng giấy được cấp ít hơn đề nghị các sở ngành, doanh nghiệp, bởi hiện siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó". Việc cấp giấy cũng được cân nhắc kỹ, đảm bảo đúng người cần ra đường làm các nhiệm vụ thiết yếu.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP HCM cho hay vài ngày đầu triển khai do chưa thống nhất quy định và các hướng dẫn, tạo ra một số bất cập liên quan việc xe có mã QR vẫn bị yêu cầu giấy đi đường. Tuy nhiên tình trạng này đến nay đã cải thiện.
Trước phản ánh xe trong diện "luồng xanh" bị làm khó khi tài xế cần xét nghiệm Covid-19 nhưng thiếu giấy đi đường, thượng tá Hà cho rằng việc này doanh nghiệp có thể giải quyết được. Bởi các đơn vị đang làm việc "ba tại chỗ" có thể tập trung tài xế để xét nghiệm. Công an thành phố đang tính toán và hướng dẫn tài xế các xe "luồng xanh" nếu có đầy đủ giấy tờ, lịch hẹn xét nghiệm... được tạo điều kiện không cần kiểm tra giấy đi đường tại các chốt kiểm soát.
Lý giải việc nhiều người khi muốn đăng ký giấy đi đường nhưng thủ tục khó khăn liên quan thẩm quyền đơn vị cấp, đại diện Công an thành phố cho biết một trong nguyên nhân là người dân, doanh nghiệp chưa rõ mình thuộc diện nào để nộp hồ sơ qua các cơ quan đầu mối. Đồng thời, đây là lần đầu triển khai các thủ tục này nên một số địa phương có phần lúng túng về thẩm quyền, dẫn đến thực hiện chưa trôi chảy.
TP HCM siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó" từ ngày 23/8, với mục tiêu kiểm soát được dịch vào giữa tháng 9. Hiện, lượng xe chạy ngoài đường ở thành phố giảm gần 90% so với trung bình ngày thường và giảm 25% so với ngày 22/8. Đến tối 27/8, thành phố ghi nhận 199.483 ca nhiễm trong đợt dịch bùng phát thứ tư.
Gia Minh