Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2020, Thái Lan có 40 dự án đăng ký mới, 23 dự án đăng ký điều chỉnh vốn và 100 lượt góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Con số này tăng hơn gấp đôi so với năm 2019 và gần gấp 7 lần so trong giai đoạn 2015-2020.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1976 đến nay, mối quan hệ kinh tế giữa Thái Lan và Việt Nam không ngừng phát triển. Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Thái và Việt Nam liên tục tăng bình quân 13% mỗi năm trong 10 năm qua.
Hiện Thái Lan là một trong 9 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư luỹ kế đến cuối năm 2020 là 12,8 tỷ USD, tương đương với 603 dự án. Các nhà đầu tư Thái quan tâm nhiều lĩnh vực đa dạng tại Việt Nam, chủ yếu là công nghiệp chế biến - chế tạo, năng lượng sạch và bất động sản.
Với tiềm lực mạnh mẽ, dòng vốn đầu tư từ xứ sở Chùa Vàng đã góp phần bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển trong nước, đóng góp vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách nhà nước, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, tạo tác động lan toả công nghệ thông qua quá trình chuyển giao công nghệ và đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, với nét văn hoá khá tương đồng với văn hoá Việt Nam, các doanh nghiệp Thái mang tới một môi trường làm việc thân thiện, dễ hoà đồng, được đánh giá cao bởi nhiều nhân viên người Việt.
Bên cạnh đó, một số tập đoàn lớn từ Thái Lan cho thấy sự quan tâm đến tính bền vững trong những hoạt động động đầu tư tại Việt Nam. Điển hình là tập đoàn SCG - được xếp hạng doanh nghiệp bền vững số 1 thế giới trong lĩnh vực Vật liệu Xây dựng theo bảng Chỉ số Phát triển Bền vững Dow Jones (Dow Jones Sustainability Indices – DJSI) năm 2020.
Tại Việt Nam, SCG là một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ký kết thỏa thuận thiết lập Hợp tác công tư (PPC) về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Hợp tác này nhằm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tao đ̣ể giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.
Ông Thanapat Kaweetraiphop - Giám đốc Thương mại - Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn, một đơn vị thành viên của tập đoàn SCG - cho biết: "Việc hợp tác giữa các bên là một yếu tố quan trọng để kinh tế tuần hoàn được thực hiện. Để xây dựng kinh tế tuần hoàn, sự phát triển cơ sở hạ tầng dưới sự điều hành của Chính phủ, những quy định nghiêm ngặt và quy trình xử lý rác thải khắt khe là không đủ".
Theo đó, một trong số các chương trình do PPC triển khai tại Việt Nam là quản lý chất thải toàn diện cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, SCG còn đảm bảo những công ty thành viên luôn tuân theo quy tắc chủ đạo này. Vừa qua, công ty TNHH Ngói bê tông SCG (Việt Nam) - thành viên của tập đoàn SCG tại Việt Nam vừa nhận giải thưởng Top 100 Doanh nghiệp bền vững nhất năm 2020 được đánh giá bởi bộ chỉ số CSI do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBSCD) phát triển.
"Để đạt kết quả này, công ty đã liên tục đầu tư phát triển sản phẩm mới cũng như dây chuyền hiện đại, song hành cùng với việc cải tiến quy trình hoạt động, hướng đến bảo vệ môi trường, tạo điều kiện lao động tốt hơn cho nhân viên, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương", đại diện SCG cho biết.
"Với định hướng bền vững, các nhà đầu tư Thái Lan sẽ là những người bạn đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển có sàng lọc", đại diện SCG cũng nhấn mạnh.
Một đại diện về phát triển bền vững khác từ Thái Lan có thể kể đến Super Energy Corporation Company Limited khi đầu tư 457 triệu USD cho việc sở hữu cổ phần của 4 dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước.
Tính đến cuối năm 2019, tập đoàn có thỏa thuận đầu tư hoặc mua tài sản tại các 6 dự án điện gió tại Việt Nam với tổng công suất 600 MW, tổng giá trị đầu tư 58,4 triệu USD.
Gần đây nhất, Tập đoàn Banpu - một công ty giải pháp năng lượng tích hợp của Thái đã chính thức ký thỏa thuận mua lại dự án Nhà máy điện gió Mũi Dinh, với giá trị khoảng 66 triệu USD.
Bên cạnh mục tiêu đóng góp 6.100MW điện sạch vào hệ thống điện lưới quốc gia năm 2025, tập đoàn này còn cam kết hướng tới giảm phát thải gần 700.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với hơn 40 triệu cây được trồng.
Tâm An