Đầu tuần này, Pencil Group, một nhóm công ty truyền thông quyết định gửi tặng nhân viên mỗi tuần một combo rau củ 6 kg cho đến khi hết giãn cách. Trong thùng quà đầu tiên, một nhân viên của họ "khoe" được nhận khoảng chục loại nông sản như: bắp cải, cà rốt, su su, đậu que, cà tím, mướp, thì là...
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc điều hành Pencil Group cho biết, quyết định được đưa ra khi ban lãnh đạo nhận thấy việc mua rau củ của nhiều người trở nên khó khăn và giãn cách có thể còn kéo dài.
Theo ông Huy, việc triển khai khá đơn giản, chỉ cần tìm được nguồn hàng, lên danh sách địa chỉ từng nhân sự và lộ trình vận chuyển. "Thách thức duy nhất chỉ là về chi phí nhưng không phải là một thách thức lớn", ông nói và cho biết công ty dù nhiều dự án bị hoãn vô thời hạn, nhưng vẫn có khả năng duy trì tặng rau củ mỗi tuần cho nhân viên nhiều tháng.
Tương tự, nhiều công ty truyền thông khác cũng gửi các phần quà là rau củ quả đến nhân viên của mình. Isobar tặng một "box rau củ" 10 kg cho nhân viên, được tính toán là có thể đủ dùng trong gia đình từ 5-6 ngày.
Các doanh nghiệp khác trong ngành F&B hay bán lẻ cũng có chính sách tương tự. Hình thức các combo quà tặng cũng có phần khác nhau. Có nơi không chỉ rau củ mà còn có lương thực, nhu yếu phẩm.
Bà Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Marketing của Morico - một chuỗi nhà hàng phong cách Nhật, cho biết công ty vừa gửi đợt đầu với 100 gói thực phầm bao gồm gạo, mì, cá, gia vị, thức uống,...cho nhân viên. "May mắn khi chúng tôi vốn trong ngành F&B nên việc huy động mua lương thực thực phẩm hỗ trợ trong mùa dịch này không gặp nhiều khó khăn, đặc biệt hiệu quả cần đạt được là tính cấp bách để có thể gửi đến tận tay nhân viên trong thời gian giãn cách", bà nói.
Bliss, một nhà sản xuất kem vốn dùng nhiều nguyên liệu trái cây tươi nên có mối quan hệ thân thiết với các nhà vườn. Duy trì hoạt động theo hình thức "3 tại chỗ", công ty này ngoài hỗ trợ thêm một phần chi phí sinh hoạt còn quyết định thu mua thêm rau của nhà vườn để nấu ăn cho nhân viên và cả gia đình của họ.
Rau còn được dùng để tặng cho các hộ gia đình quanh công ty và cả khách hàng. "Dù là một doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập nhưng chúng tôi hiểu rằng mình có trách nhiệm san sẻ áp lực khó khăn chung với mọi người", bà Đào Phương Thảo, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc truyền thông Bliss, cho biết.
Tương tự, chuỗi cửa hàng bán lẻ cho mẹ và bé Con Cưng cũng dùng rau củ như một phần trong hoạt động đối nội và đối ngoại mùa dịch. Đây là một trong các đơn vị cùng tham gia phân phối sản phẩm rau củ quả tươi theo kêu gọi của Sở Công Thương thời gian qua. Vì nông sản đã có sẵn tại hệ thống nên chuỗi quyết định hỗ trợ trực tiếp 1,9 tỷ đồng bằng tiền mặt cho nhân viên để đảm bảo đời sống.
Nhiều công ty đang triển khai cho rằng, việc đẩy mạnh chăm lo cho nhân viên bằng rau củ mang lại nhiều giá trị vật chất lẫn tinh thần trong chiến lược quản trị nhân sự mùa dịch.
Mỗi tuần, công ty ông Nguyễn Tiến Huy sẽ có những loại rau củ quả ngẫu nhiên được chọn, để mỗi thùng thành một hộp quà bí ẩn, như một bất ngờ nho nhỏ. "Làm ở nhà ức chế lắm, nhất là với công việc truyền thông, cần giao tiếp nhiều như chúng tôi, nên một chút thú vị như mở ra xem nhận được rau củ gì tuần này cũng có thể là một nguồn cảm hứng", ông nói.
Với Morico, đặc thù của bộ phận vận hành là đội ngũ nhân viên phục vụ, quản lý trẻ. Đặc biệt các nhân viên phục vụ đa phần là sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Mùa dịch nhiều người vẫn ở lại thành phố một mình trong khi việc làm bị gián đoạn.
"Chúng tôi hy vọng việc hỗ trợ chăm sóc nhân viên qua hình thức tặng thực phẩm không chỉ chia sẻ phần nào gánh nặng sinh hoạt hằng ngày của họ mà còn có thể tiếp thêm sức mạnh tinh thần, giữ những kết nối tích cực cùng nhau", bà Nguyễn Thanh Vân nói.
Khi dịch bệnh có khả năng kéo dài và nhiều người lao động tiếp tục phải làm việc tại nhà, làm việc "3 tại chỗ" hay phải tăng ca, tạm dừng việc thì bên cạnh chiến lược rau củ, nhiều ý tưởng gắn kết khác cũng xuất hiện.
Ông Vũ Quân Nguyễn Masse, Giám đốc văn hoá và thương hiệu của công ty Vero cho biết, vì công ty cũng có văn phòng tại Thái Lan, Indonesia và Myanmar, nên có thể chia sẻ kinh nghiệm và mẹo của từng nơi về chính sách làm việc tại nhà.
"Những nỗ lực của chúng tôi lần này tập trung vào những cách để giữ cho tinh thần mọi người vững vàng vì chúng tôi biết rằng làm việc tại nhà trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần", ông nói.
Theo đó, công ty này có chương trình tư vấn sức khỏe tinh thần trực tuyến từ cuối năm 2020. Chương trình này cho phép nhân viên đăng ký ẩn danh để nhận tư vấn từ các nhà tâm lý và chuyên gia.
Phía Con Cưng thì cho hay, nhằm đảm bảo yên tâm cho nhân viên và gia đình, họ triển khai chương trình bảo hiểm sức khỏe, áp dụng cho cả gia đình nhân viên trong trường hợp nhân viên là F0 hoặc F1. Bên cạnh đó, họ cũng đã triển khai việc chích ngừa đợt một vaccine cho phần lớn nhân viên đang làm việc tại TP HCM.
"Thứ nhất, tâm lý của nhân viên sẽ tốt hơn, yên tâm hơn vì thu nhập được đảm bảo. Thứ hai, khi nhân viên nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ công ty, khách hàng, nhân viên sẽ gắn bó và tâm huyết hơn với công việc", ông Trần Anh Phượng, Giám đốc vận hành khối siêu thị, kết luận.
Viễn Thông