Cách đây 10 ngày, BCG Energy - công ty thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital, đã mua lại toàn bộ hai lô trái phiếu khoảng 2.500 tỷ đồng. Trước đó, Phát Đạt - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản - cũng hoàn tất mua lại hai lô trái phiếu 600 tỷ đồng được công ty phát hành năm 2021.
Động thái này của BCG Energy hay Phát Đạt nối dài thêm danh sách các doanh nghiệp chi hàng tỷ đồng mua lại các lô trái phiếu đã phát hành trước đó.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến 25/12, khối lượng trái phiếu được phát hành mới giảm 27% cùng kỳ 2022, đạt 245.900 tỷ đồng. Nhưng lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn tăng gần 6% so với năm ngoái, với 230.200 tỷ đồng.
Trong nhóm doanh nghiệp mua lại nhiều nhất, ngoài ngân hàng (49%), bất động sản và xây dựng lần lượt 14% và 13%.
Báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán MB (MBS) mới đây cũng cho thấy hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp sôi động trong tháng cuối của năm 2023. Riêng tháng 12, giá trị mua lại trước hạn khoảng hơn 21.200 tỷ đồng, tăng 94% so với tháng 11.
Tính chung 3 tháng cuối năm, trái phiếu mua lại trước hạn hơn 54.000 tỷ đồng, chiếm trên 23% so với đầu năm. Con số này cũng cao hơn gần 12% lượng doanh nghiệp mua lại trong quý III.
Trái phiếu là kênh huy động vốn thường dùng để thực hiện các dự án, kế hoạch kinh doanh mang tính trung, dài hạn. Năm 2023, thị trường này tiếp tục gặp biến động sau vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào cuối năm ngoái. Nhà đầu tư mất niềm tin và yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu mới.
Để gỡ khó cho thị trường, Chính phủ ban hành Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người mua trái phiếu để thanh toán gốc, lãi đến hạn bằng tài sản khác. Các trái phiếu đã phát hành có thể được kéo dài kỳ hạn, tối đa 2 năm.
Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính hôm 27/12, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ phương án kéo dài một số chính sách khi Nghị định 08 hết hiệu lực vào cuối năm nay. Ông cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đánh giá khả năng thanh toán, chi trả của các doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn năm 2024. Bộ Tài chính chủ động xây dựng kịch bản, có phương án để xử lý, bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Tính toán của Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn năm 2024 rất lớn, trên 297.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư), tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường.
Song, ông cũng cho rằng môi trường đầu tư cần thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp để họ "ăn nên làm ra", có nguồn lực trả các khoản nợ đến hạn.