Thông tin trên được Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt cho biết khi góp ý nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp (trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật), sáng 10/1.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, hiện có hai loại hình doanh nghiệp Nhà nước trong quân đội. Đó là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh (100% vốn Nhà nước); doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh (gồm cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa hoặc đã cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ cổ phần, chi phối và thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng).
Bộ Quốc phòng đang quản lý, giao nhiệm vụ quân sự quốc phòng cho 83 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 20 doanh nghiệp cổ phần. Ngoài ra, còn có các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hai thành viên, là công ty con của công ty mẹ tập đoàn đang được giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng.
Tướng Duyệt cho hay, những năm qua, các doanh nghiệp quân đội đã tạo ra khoảng 5% GDP. Tức trung bình mỗi năm GDP của đất nước khoảng 300 tỷ USD, thì doanh nghiệp Quốc phòng đóng góp khoảng 15 đến 20 tỷ USD. Cạnh đó, mỗi năm, doanh nghiệp quốc phòng đóng góp cho Ngân sách nhà nước khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng, bằng khoảng 25% đóng góp của các doanh nghiệp Nhà nước.
"Doanh nghiệp quân đội đã xây dựng được những thương hiệu mạnh, có đóng góp quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là cơ sở ổn định chính trị, xã hội,...", Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội khẳng định.
Tướng Duyệt cho biết, theo quy định của luật hiện hành, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đây là doanh nghiệp trực tiếp nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, quân sự như Tập đoàn Viettel, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.
Đơn cử như các Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Trường Sơn, các Binh đoàn 15, 16 đứng chân trên các địa bàn chiến lược, tham gia phát triển kinh tế xã hội, vùng sâu, vùng xa, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư vùng khó khăn, biên giới, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, là "phên giậu" của Tổ quốc trên các vùng chiến lược.
Các doanh nghiệp này được hưởng các cơ chế, chính sách doanh nghiệp quốc phòng, an ninh để thực hiện nhiệm vụ, kể cả việc sử dụng đất quốc phòng cho lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo Nghị quyết 132 của Quốc hội.
Còn doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh gồm các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa, như Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Hải Sơn, Tổng công ty 319, Tổng công ty Đông Bắc; hoặc các công ty cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng như công ty cổ phần 20, 22, 26, 32.
Các doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời có một số nhiệm vụ quốc phòng an ninh như sản xuất quân trang, tham gia xây dựng một số công trình quốc phòng; không có cơ chế hỗ trợ. Vì vậy, hiện Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp dự thảo Nghị định đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 47, điều chỉnh các nội dung hỗ trợ đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Để khắc phục vướng mắc trong xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn, Chính phủ đề nghị bổ sung khoản 5 Điều 217 luật Doanh nghiệp theo hướng "Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp Nhà nước...".
Đại biểu Phạm Văn Hòa (phó đoàn Đồng Tháp) và Hoàng Văn Cường (Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân) cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ. Theo ông Cường, doanh nghiệp kinh tế quốc phòng phải là doanh nghiệp Nhà nước, nhưng không nhất thiết phải là 100% vốn Nhà nước, bởi vì có thể phải thực hiện quá trình cổ phần hóa. "Sửa đổi sẽ tác động rất tốt cho quá trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp", ông nói.
Trước đó, Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự án Luật cho biết, hiện nay khái niệm, điều kiện xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa được quy định tại các văn bản luật mà được hướng dẫn tại văn bản dưới luật.
Khái niệm "doanh nghiệp nhà nước" theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã thay đổi so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, dẫn đến mở rộng phạm vi "doanh nghiệp quốc phòng, an ninh" bao gồm cả doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do các cổ đông khác ngoài Nhà nước nắm giữ.
Trong khi đó, việc xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp Nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là quy định nhất quán kể từ năm 2014 đến nay. Nghị quyết số 132 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cũng xác định rõ đối tượng áp dụng chỉ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quân đội, công an trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ về tính chất của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Ủy ban đề nghị quy định rõ "doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ"...
Hoàng Thùy - Viết Tuân