Sáng 26/10, đại diện Liên bộ Tài chính - Công Thương - Giao thông Vận tải triệu tập cuộc họp khẩn với tất cả các doanh nghiệp liên doanh và sản xuất trong nước để hỏi cho rõ: Vì sao được hưởng nhiều ưu đãi, giá xe trong nước vẫn đứng ở mức cao.
Ôtô sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Hữu Hào mở màn cuộc họp bằng việc công bố bản đánh giá sơ lược quy hoạch ngành công nghiệp ôtô trong 3 năm qua. Căn cứ vào đây, các doanh nghiệp kiến nghị xem chính sách thuế thời gian qua có gì bất cập và cần Nhà nước hỗ trợ gì để nền công nghiệp ôtô phát triển hơn.
Các tin bài liên quan | ||||||||||||
|
Theo ông, sau 3 năm thực hiện quy hoạch phát triển ngành mới có dòng xe tải, xe bus làm tốt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa, riêng xe du lịch vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, dù Nhà nước đã áp dụng chính sách bảo hộ. "Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại chính sách để mặt hàng ôtô trở thành phương tiện đi lại phổ biến giống như mặt hàng xe máy", ông nói.
Ông Hào cho hay, rất nhiều ý kiến cho rằng cần giảm mạnh các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT để tạo điều kiện cho xe ngoại về thị trường. Hàng về nhiều, gây sức ép với ôtô trong nước sẽ kéo giá bán xuống mức thấp hơn. Đổi lại, VN chấp nhập tắc nghẽn giao thông trong vòng 2-5 năm để chờ cơ sở hạ tầng phát triển. Như vậy, nền công nghiệp ôtô phát triển mà người dân cũng có cơ hội sở hữu xe hơi. Tuy nhiên, cũng không ít quan điểm cho rằng, trong điều kiện VN hiện nay, cần phát triển hạ tầng trước rồi mở cổng cho ôtô về sau.
"Bản thân chúng tôi, khi xây dựng quy hoạch nền công nghiệp ôtô, đã căn cứ vào quy hoạch phát triển hạ tầng của ngành giao thông. Do vậy, việc dư luận đổ tội cho chúng tôi sai trong việc làm chiến lược là không công bằng", ông Hào nói.
Ông Hào vừa dứt lời thì Tổng giám đốc Tổng công ty Động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) Nguyễn Thanh Giang lập tức "quy tội": Thị trường ôtô phát triển luẩn quẩn như hiện nay chung quy là tại chính sách thuế.
Ông cho rằng, lâu nay Bộ Tài chính đã quá "lạm dụng" quyền hành và luôn tự do điều chỉnh thuế theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp. "Ba lần điều chỉnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ 90% xuống 80%, rồi 70% và 60% vừa qua là một ví dụ, Bộ Tài chính đơn phương thực hiện mà không thăm dò ý kiến doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng", ông Giang dẫn chứng.
Theo ông, lẽ ra các bộ ngành phải ngồi lại với nhau trước thời điểm Bộ Tài chính đơn phương ra các quyết định giảm thuế. Đằng này, khi mọi chuyện đã rồi, các nhà sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh nghiệp mới được "bày tỏ quan điểm". Bộ Tài chính luôn "úp mở" trong mỗi lần ban hành quyết định, khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh chẳng biết ngày mai chính sách thuế sẽ ra sao.
"Chúng ta có xây dựng nền công nghiệp ôtô nữa hay không? Nếu không các bộ ngành cũng cho chúng tôi biết một tiếng để chúng tôi chẳng phải sản xuất nữa mà chuyển hướng sang nhập khẩu. Còn nếu tiếp tục duy trì nền công nghiệp này thì phải có chính sách linh hoạt để cho nó có đường sống. Chính sách thuế không minh bạch khiến các doanh nghiệp cứ như người mù lần đường đi mà chẳng biết sẽ đi đến đâu", ông Giang bức xúc nói.
Ông Bùi Ngọc Huyên - Giám đốc Công ty Đầu tư và lắp ráp Xuân Kiên - thì nhấn mạnh: "Chúng ta chưa đánh giá đúng về nhu cầu của thị trường khiến lượng xe sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu".
Theo ông, lỗi này thuộc về các nhà hoạch định chính sách khi chưa khảo sát thực tế hoạt động tại doanh nghiệp xem cái gì họ đã làm được, cái gì cần tiếp tục cải cách. Chiến lược đặt ra là một chuyện song có đạt được hay không phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế. Mà muốn điều tiết chính sách thuế, phải có thực tế, chứ không chỉ ngồi ở nhà nghe báo cáo. "Quả thật từ khi đi vào hoạt động đến giờ, chưa bao giờ Xuân Kiên được đón lãnh đạo Bộ Tài chính xuống thăm. Tôi đề nghị cơ quan thuế cần có lộ trình điều chỉnh chính sách rõ ràng. Nếu thuế thiếu minh bạch, biến đổi liên tục như vậy, doanh nghiệp nước ngoài nào còn dám vào đầu tư", ông Huyên nói.
Đại diện cho Hiệp hội lắp ráp ôtô VN (VAMA), Tổng giám đốc Mercedes-Besz Udo F. Loersch tiết lộ, Mercedes đang lên kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại tại VN, tuy nhiên, công việc bị dừng lại cũng chỉ vì thuế. "Chúng tôi mong sớm nhận được giấy phép nhập khẩu để chuyển hướng đầu tư thay vì cứ duy trì chính sách lắp ráp xe rồi thấp thỏm lo thuế", ông nói. Theo ông, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc thay đổi liên tục, trong khi linh kiện phụ tùng đứng yên, doanh nghiệp bị lỗ thì nhìn vào đâu để tính chuyện giảm giá bán.
Chiến lược phát triển nền công nghiệp ôtô VN: - Dòng xe tải: mục tiêu đề ra đến năm 2005 có sản lượng 68.000 chiếc, đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường, đến năm 2010 đạt 127.000 xe, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu thị trường. Tỷ lệ sản xuất trong nước đạt trên 40% vào năm 2005 và khoảng 60% vào năm 2010. - Dòng xe con 4-9 chỗ ngồi do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, đến năm 2005 có sản lượng 3.000 xe, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường. Đến năm 2010 đạt 10.000 xe đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Tỷ lệ xe con thông dụng đạt 30% vào năm 2005 và trên 50% vào năm 2010. |
Đại diện Hãng GM Daewoo cũng lên tiếng: "Giá xe phụ thuộc nhiều vào thuế. Nếu mở cửa quá sớm bằng cách giảm mạnh thuế để "kích" xe ngoại vào thị trường, sớm muộn cũng lãnh hậu quả như đã từng xảy ra ở một số nước". Vị đại diện này cho rằng chiến lược phát triển ôtô đưa ra là đúng, điều hành chính sách thuế cũng không sai song phải có lộ trình và công khai minh bạch cho doanh nghiệp biết. "Theo tôi, cuộc họp này không phải để chúng ta chì chiết nhau mà là tìm giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển theo đúng mục tiêu đề ra", ông nói.
Về phía Bộ Tài chính, bị quy vào "tội" chèn ép doanh nghiệp và là nguyên nhân chính đẩy giá bán xe trong nước lên cao, song Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế Hà Huy Tuấn tỏ ra khá bình tĩnh. Ông cho rằng: "Có vẻ như chúng ta đang đi lạc chủ đề. Tôi được mời đến cuộc họp này để nghe đánh giá về nền công nghiệp ôtô, qua đó xem xét có thể điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp. Thế nhưng câu chuyện lại chuyển thành chủ đề con gà và quả trứng".
Ông Tuấn thẳng thắn: "Tôi hỏi các quý vị, nền công nghiệp ôtô có trước hay chính sách thuế có trước? Chúng tôi đề ra các sắc thuế hay chiến lược ôtô đề ra cho Bộ Tài chính phải điều chỉnh chính sách". Theo ông, tất cả các chính sách thuế đưa ra thời gian qua đều được căn cứ vào chiến lược phát triển nền công nghiệp ôtô của Bộ Công Thương và quy hoạch phát triển hạ tầng của Bộ Giao thông Vận Tải. Bản thân Bộ Tài chính mỗi lần điều chỉnh thuế đều gửi công văn xin ý kiến các đơn vị có liên quan, như vậy không thể nói là thiếu minh bạch.
Đại diện cho phía Bộ Giao thông Vận tải, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Chu Mạnh Hùng phân tích, cả nước hiện có khoảng một triệu xe lưu hành, quá nhỏ so với con số trên 80 triệu dân. Như vậy, thị trường ôtô VN rất có tiềm năng đủ cho các liên doanh ở VN kinh doanh có lãi. "Chúng tôi khẳng định, cơ sở hạ tầng của chúng tôi thừa sức đáp ứng được lượng xe lưu hành hiện tại và luôn sẵn sàng ủng hộ nền công nghiệp ôtô phát triển. Vấn đề còn lại là Bộ Công Thương và doanh nghiệp thực chiến lược ấy như thế nào", ông Hùng nói. |
"Tại cuộc họp này tôi muốn các doanh nghiệp có ý kiến đóng góp tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, nhưng xem ra, ngoài việc trách móc nhau, chẳng có ý kiến nào được đưa ra và đáng phải xem xét cả", ông Tuấn nhấn mạnh.
Cuộc họp kéo dài đến tận 11h30 phút vẫn chưa đi đến được giải pháp chính là lối thoát cho ngành và liệu giá cả có giảm trong thời gian tới. Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào đành kết luận: "Quả là khó có thể đề cập câu chuyện giảm giá xe vào lúc này, việc chính sách thuế có phù hợp không cũng chưa thể kết luận. Tất cả những ý kiến trong cuộc họp, chúng tôi sẽ tập hợp để báo cáo Chính phủ xem xét".
Chính sách thuế từ năm 1991 đến nay. - Từ năm 2002 đến nay: Chính phủ thực hiện chủ trương cho phép nhập khẩu xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi ngồi (bắt đầu từ năm 2003) và xe dưới 9 chỗ đã qua sử dụng từ tháng 5/2006. - Thuế ôtô mới nguyên chiếc giảm từ 100% xuống còn 90% vào tháng 11/2005, xuống 80% vào ngày 11/1/2007 - thời điểm gia nhập WTO, xuống 70% vào tháng 8/2007 và hôm 19/10, thuế mặt hàng này còn 60%. Trong khoảng thời gian từ 1/5/2006 đến nay, thuế ôtô đã qua sử dụng cũng hai lần điều chỉnh và giảm khoảng 20% so với quy định ban đầu. |
Hồng Anh