Cả tháng nay, Phan Đình Sơn, Giám đốc Công ty Máy tính Bảo An chạy tìm thuê mặt bằng để mở thêm cửa hàng mới. Kế hoạch lập cơ sở mới của Bảo An liên tục bị lỗi hẹn vì chủ nhà "hét" giá quá cao.
Giám đốc Phan Đình Sơn tự nhủ cứ phát triển hệ thống phân phối sản phẩm máy vi tính tại 3 địa điểm đã có, khi nào thị trường sôi động sẽ mở rộng quy mô hơn. Thế nhưng nhìn vào kết quả bán hàng, ông Sơn không nén được tiếng thở dài: "Kinh doanh thời buổi này khó thật. Cái gì cũng tăng giá, sản phẩm chậm mà ngân hàng lại thắt chặt cho vay với lãi suất cao".
Theo ông, các sản phẩm máy tính của công ty được xếp vào diện "xa xỉ phẩm, không phải mặt hàng thiết yếu", do vậy, người tiêu dùng thường cân nhắc rất kỹ khi quyết định mua hàng.
Điều khiến giám đốc Sơn lo lắng nhất vẫn là chuyện biến động của đồng đôla bởi đôi lúc giá hàng hóa phải quy đổi ra ngoại tệ. Mối bận tâm của ông mỗi buổi sáng là tỷ giá hôm nay bao nhiêu và Bảo An sẽ tính giá nào để khách hàng có thể chấp nhận được.
Ông Sơn nhớ lại cách đây 2 tuần, có cậu sinh viên Đại học Bách Khoa năm thứ 3 đến mua hàng. Dù có nhu cầu thực sự vậy mà khi cân nhắc thiệt hơn cậu sinh viên này nói: “Giá đôla đang cao quá, tính ra tiền Việt em lỗ mất gần 1 triệu đồng, thôi để giá hạ chút vài bữa nữa em quay lại mua”.
“Sinh viên được coi là đối tượng khách hàng ít đắn đo nhất khi mua hàng, vậy mà họ cũng bắt đầu lo nghĩ đến vấn đề giá cả thì đủ thấy tình cảnh hiện nay khó khăn đến mức nào”, ông Sơn nhận xét.
Để đối phó với tình hình, Bảo An thực hiện chính sách thanh toán ngay 50% tiền hàng cho đối tác phân phối để phòng ngừa đồng đôla có thể tăng cao. Bên cạnh đó mọi chi phí quảng cáo, điện nước, tài trợ đều… được Bảo An tiết kiệm đến mức thấp nhất có thể. Thậm chí chuyến công tác của Giám đốc tại Singapore hồi tuần trước cũng được tính toán một cách hợp lý theo kiểu "một công đôi ba việc" sao cho đỡ tốn kém. "Bình thường chi phí đã được vắt, nay phải cố gắng vắt cho khô" - ông Sơn nói hài hước.
Giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Ảnh: Hoàng Hà. |
Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thái Dương - Lê Hồng Lam - nhẩm tính từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào đã tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2007, trong khi lợi nhuận của công ty tăng không nhiều. Là doanh nghiệp sản xuất và cung ứng các sản phẩm cơ khí nên Thái Dương chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn "sốt" giá của các mặt hàng như sắt thép, nhôm, inox…
Tính từ đầu năm đến nay, giá sắt thép tăng khoảng 30%, inox tăng 25-30%... đã khiến giám đốc Lê Hồng Lam đứng trước nhiều sức ép, tăng giá sản phẩm hay hay kìm giá bán để giữ khách hàng. Chưa kể cùng với đà tăng giá của nhiều mặt hàng, đời sống công nhân bị ảnh hưởng. Để giữ chân nhân viên, Thái Dương liên tục phải điều chỉnh bảng lương. Hiện mức lương bình quân của nhân viên công ty được nâng lên 3 triệu đồng một tháng thay cho mức 1,2-1,5 triệu đồng trong năm 2007. Ngoài việc tiết giảm chi tiêu, công ty cũng cân nhắc đến việc thuê công nhân theo mùa vụ và đơn đặt hàng để tiết giảm chi phí.
Không riêng gì Thái Dương, hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh đều xác định, trong bối cảnh khó khăn chung chỉ còn cách tự mình cứu mình. Ngay từ thời điểm đầu năm khi lãi suất cho vay của các ngân hàng ồ ạt tăng lên và đồng đôla bắt đầu rớt giá, Công ty Thanh Sơn, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu điều, lập tức chỉ đạo cho nhân viên tạm thời ngừng thực hiện phương thức thanh toán trả chậm (DP) để chuyển sang thanh toán theo hình thức L/C trả ngay. Lãnh đạo công ty này cho rằng "tiền có sớm ngày nào là đỡ phải chịu lãi ngày đó".
Giá cả tăng cao, đời sống của người lao động không thể được duy trì với mức thu nhập như cũ. Chính vì thế đã xảy ra tình trạng, công nhân bỏ chỗ làm cũ để nhảy sang những công ty trả lương cao hơn.
Hồng Anh