Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành của văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật (JETRO) tại TP HCM có cuộc trao đổi nhanh với VnExpress.net về cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật của doanh nghiệp Việt Nam?
- Hiện doanh nghiệp Nhật có xu hướng chuyển căn cứ sản xuất và nguồn cung cấp vật liệu từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam là điểm đến thu hút doanh nghiệp Nhật do giá nhân công ở Thái Lan tăng đột biến và khả năng đảm bảo nguồn nhân lực ở các vùng phụ cận tại Bangkok trở nên khó khăn hơn.
Năm 2012, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới vào Việt Nam 7,8 tỷ USD, trong đó đầu tư từ các công ty Nhật chiếm 51%. Ngoài ra, Nhật là nhà đầu tư lớn nhất trong 5 tháng đầu năm nay với gần 3,7 tỷ USD vốn cam kết của các dự án mới và tăng thêm, chiếm 43% tổng vốn đầu tư FDI.
Một trong những thách thức của doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam là tình trạng thiếu hụt ngành công nghiệp phụ trợ. Khi phía Nhật chưa thấy khả năng phát triển của ngành này sẽ khó có chuyện dòng vốn từ Nhật đổ mạnh vào Việt Nam.
- Vậy theo ông, đâu là điểm yếu của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam?
- Nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, dù người lao động tốt nghiệp từ trường đại học hay cao đẳng dạy nghề. Ngành công nghiệp phụ trợ phần lớn do doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm trách, nhưng lại thiếu tiền để hoạt động cũng như rất khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng.
Theo khảo sát của JETRO năm 2012, tỷ lệ cung cấp nội địa hóa cho các công ty Nhật tại Việt Nam rất thấp, chưa đến 28% so với 61% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan. Trải qua 10 năm, thông qua nhiều hoạt động trao đổi thương mại, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa có thành quả trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
- Doanh nghiệp Việt nên khắc phục ra sao?
- Doanh nghiệp khi làm ra sản phẩm nên quản lý chất lượng tốt, thời gian giao hàng cần đúng tiến độ và phải quan tâm đến khâu kiểm soát chi phí giao hàng.
Tôi lấy ví dụ, linh kiện, phụ tùng giống như là chân núi và sản phẩm cuối cùng là đỉnh núi. Do đó, để làm ra một thành phẩm, doanh nghiệp Nhật kiểm tra rất chặt chẽ khâu đầu vào vì đây chính là mấu chốt quan trọng để có một thành phẩm chất lượng cao và hoàn hảo nhất.
Hiện nay, một số doanh nghiệp có chương trình đưa người lao động Việt sang Nhật đào tạo. Kết quả, có một số ít doanh nghiệp Việt thành công trong lĩnh vực phụ tùng. Theo tôi, nên nhân rộng mô hình thành công của những công ty này và tạo ra nhiều hơn nữa công ty vừa và nhỏ chuyên về công nghiệp phụ trợ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có được nền tảng vững trong công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp Nhật sẽ dễ vào để phát triển thị trường hơn.
- Doanh nghiệp Nhật mong muốn các công ty Việt Nam tham gia nhiều nhất vào khu vực nào của ngành công nghiệp phụ trợ?
- Có 5 lĩnh vực quan trọng trong ngành công nghiệp phụ trợ gồm: chế tạo khuôn mẫu; ép nhựa và dập; linh kiện điện và điện tử; phụ tùng liên quan đến máy móc gồm xe 3 bánh và 4 bánh; gia công kim loại, xử lý nhiệt và xử lý bề mặt.
Việt Nam đang phát triển thị trường xe hơi nên ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ về phụ tùng xe nên được quan tâm hơn.
- Ông đánh giá thế nào về tương lai ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam?
- Tôi nghĩ rằng không chỉ nhìn riêng về ngành công nghiệp phụ trợ mà phải thấy được bức tranh tổng thể. Ví dụ, thị trường xe hơi tại Việt Nam đang bị áp rất nhiều loại thuế nên giá bán cao và dường như không ai muốn mua. Chỉ khi sức mua xe hơi khởi sắc, lúc đó ngành công nghiệp phụ trợ mới phát triển để đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Theo khảo sát của JETRO trong năm 2012, ở cấp quản lý, lương tại Trung Quốc là 19.761 USD một người mỗi năm, Thái Lan là 27.204 USD và Việt Nam là 12.245 USD. Mức lương công nhân Trung Quốc trung bình 6.734 USD một người mỗi năm; Thái Lan 6.704 USD và Việt Nam 2.602 USD. |
Phương Mai