Thời gian qua, tại không ít doanh nghiệp, các công nhân bất ngờ chứng kiến sự xuất hiện của những “ông Nhật Bản” lạ hoắc đến quan sát, rồi chỉ chỏ, hướng dẫn từ chuyện... nhặt rác trong nhà máy cho đến khâu quản lý chất lượng sản phẩm.
Họ đều là những chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế Nhật, tuổi từ 60-70 và hiện đang nghỉ hưu, sang Việt Nam làm tình nguyện viên tham gia dự án Hỗ trợ và phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam
Đầu giờ chiều một ngày tháng 7, ông Shiozaki Ryoji (63 tuổi) và ông Sugawara Kunio (64 tuổi), hai trong bảy người Nhật của dự án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam tại khu vực TP HCM, vai balô, chân mang giày bảo hộ có mặt tại Công ty cổ phần đầu tư thương mại SMC (khu công nghiệp Phú Mỹ 1, Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau đúng 30 phút nghe báo cáo của ban giám đốc công ty về tiến độ thực hiện và phương pháp duy trì 5S (seiri-sàng lọc, seiton-sắp xếp, seiso-sạch sẽ, seiketsu-săn sóc, shisuke-sẵn sàng), hai ông lập tức mang mũ bảo hộ đi thẳng vào nhà xưởng quan sát từng ngóc ngách, từng tác phong công nhân để ghi nhận quá trình thực hiện 5S.
Dự án hỗ trợ và phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện, dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Đây là dự án hỗ trợ miễn phí với các chương trình hướng dẫn phương pháp giải quyết các vấn đề như quản lý chất lượng, quản lý chi phí, quản lý thời hạn giao hàng, quản lý nhân sự, quản lý tồn kho và hoạt động 5S.
Cứ thế suốt sáu tháng qua, ông Sugawara gắn bó với Công ty SMC trong từng chi tiết nhỏ nhất. Ông Sugawara cho biết trong xưởng hiện không còn một mẩu tàn thuốc lá dưới sàn, mọi thứ đã gọn gàng, ngăn nắp khiến nhà xưởng sạch đẹp hẳn so với trước. Một tuần sau, cũng với bộ dạng ấy, ông Sugawara lại cặm cụi khắp các ngóc ngách nhà xưởng của một công ty tại khu công nghiệp Tân Thới Hiệp ( quận 12, TP HCM) để nắm rõ quy trình sản xuất, hoạt động và những khó khăn mà công ty này đang gặp phải rồi lên kế hoạch hỗ trợ mới.
Đến Việt Nam làm tình nguyện viên chưa đầy một năm, ông Shiozaki Ryoji - trưởng nhóm dự án tại TP HCM cho biết tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng nhờ vào sự tận tụy của các tình nguyện viên phía Việt Nam nên việc kết nối dễ hơn rất nhiều... Còn theo ông Sugawara, người từng có hai năm gắn bó với các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh là giá nhân công rẻ, lao động cần cù..., nhưng máy móc quá lạc hậu nên năng lực cạnh tranh rất yếu. “Thay vì an nhàn tuổi già, họ lại lên đường xa quê hương và gia đình trở thành tình nguyện viên kinh tế tại Việt Nam. Họ nhiệt tình, tận tụy và rất nghiêm khắc” - chủ một doanh nghiệp tại TP HCM nói.
Nhận được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên Nhật, nhiều công ty tại Việt Nam cho biết đã có những chuyển biến tích cực trong công tác sản xuất... Tại Công ty cổ phần Sáng tạo công nghiệp (khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12), điều đầu tiên ông Suwagara thốt lên khi xuống nhà xưởng là: “Hôm nay sự thay đổi một trời một vực rồi”.
Các tình nguyện viên làm việc tại Công ty thép SMC. |
Công ty này đã được dự án hỗ trợ cách đây một năm, đến nay từng lối đi trong nhà xưởng sạch đẹp, ngăn nắp, có cả cây cảnh trang trí. Lãnh đạo công ty nói vừa đưa ra những hình ảnh cách đây một năm để so sánh: thay vì công nhân ngồi bệt làm việc nay công nhân đứng bàn thao tác, nếu trước phế phẩm, hàng tồn để ngổn ngang thì nay được để từng khu riêng ngăn nắp.
Ông Phùng Bùi Tuấn Nghĩa, Phó giám đốc công ty cho biết trước đây đã từng thực hiện 5S nhưng chỉ làm được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. “Nhưng khi các chuyên gia Nhật đến, chúng tôi mới phát hiện mình thực hiện 5S sai phương pháp, đó là không thể ép công nhân thực hiện mà phải đi vào thay đổi nhận thức của họ bằng những hành động cụ thể” - ông Nghĩa nói.
Anh Hoàng Xuân Dũng, công nhân tổ bảo trì Công ty SMC, cũng cho biết sau khi các bác Nhật đến hướng dẫn thực hiện 5S, giờ đây ở khu vực tổ bảo trì không còn cảnh dầu mỡ vương vãi trên sàn như ngày xưa, khắp xưởng một mẩu tàn thuốc cũng không còn, mọi thứ đều ngăn nắp và để đúng vị trí với bảng hướng dẫn rõ ràng khiến công nhân làm việc hào hứng hơn.
Ông Hồ Thanh Tâm, Giám đốc chất lượng Công ty cổ phần Ngô Han cũng cho biết sau sáu tháng được các tình nguyện viên hỗ trợ, công ty đã có sự thay đổi toàn diện. Chẳng hạn, dụng cụ làm việc không còn bị vứt lung tung như trước mà được đánh số thứ tự, sắp xếp một cách ngăn nắp và khoa học. Công ty cũng đã cắt giảm đáng kể chi phí nguyên nhiên vật liệu trong quá trình vận chuyển, vận hành khâu sản xuất... nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các chuyên gia Nhật trong việc rút ngắn các công đoạn.
Hỗ trợ miễn phí Dự án hỗ trợ và phát triển công nghiệp phụ trợ VN do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện, dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Đây là dự án hỗ trợ miễn phí với các chương trình hướng dẫn phương pháp giải quyết các vấn đề như quản lý chất lượng, quản lý chi phí, quản lý thời hạn giao hàng, quản lý nhân sự, quản lý tồn kho và hoạt động 5S... Nhóm tình nguyện viên gồm 14 chuyên gia người nhật và 14 chuyên viên người Việt làm công tác phiên dịch, hoạt động ở cả khu vực phía Bắc và phía Nam. Riêng tại TP.HCM, đến nay dự án đã hỗ trợ xong 29 doanh nghiệp và có 23 doanh nghiệp đang được hỗ trợ. |
(Tuổi trẻ)