Tại Hội nghị đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội chiều 24/10, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết các công ty Nhật Bản chiếm 8,7% tổng số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nhưng đóng góp 13% tổng số tiền thu ở khối này. Cả nước hiện có hơn 24.000 doanh nghiệp FDI hoạt động, đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 4,6 triệu người.
"Đa số doanh nghiệp FDI Nhật Bản chấp hành nghiêm quy định về chính sách bảo hiểm xã hội, tỷ lệ chậm đóng thấp nhất trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh", ông Hào nói. Ông cũng đề nghị các địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng... tiếp tục rút gọn thủ tục hành chính, tạo môi trường hoạt động cho doanh nghiệp khối này.
Giải đáp thắc mắc về quyền lợi lao động Nhật Bản làm việc tại Việt Nam, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, nhấn mạnh chính sách bảo hiểm xã hội được tiếp cận với mục tiêu không phân biệt đối xử giữa lao động bản địa và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhiều chính sách cho lao động nước ngoài thậm chí còn cởi mở hơn.
Ông lấy ví dụ lao động Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội dưới 20 năm muốn rút một lần phải đáp ứng điều kiện 12 tháng không đóng bảo hiểm xã hội, nhưng lao động nước ngoài chỉ cần chấm dứt hợp đồng có thể làm hồ sơ ngay. Thời gian lẫn quy trình giải quyết thủ tục còn được rút ngắn số ngày để tạo điều kiện cho họ sớm nhận chế độ trước khi về nước.
Theo ông, dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sắp được Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp này, dự kiến thông qua vào tháng 5/2024 và có hiệu lực từ tháng 7/2025. Dự thảo trước đó đã được lấy ý kiến rộng rãi nhiều lần, song các doanh nghiệp vẫn có thể gửi góp ý những vấn đề liên quan chính sách bảo hiểm xã hội. Ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe, hoàn thiện chính sách trước khi dự luật được thông qua và có hiệu lực.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio dẫn khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đánh giá, Việt Nam là quốc gia thứ hai sau Mỹ mà doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào. Nếu tính riêng khối doanh nghiệp lớn thì Việt Nam đứng đầu bảng, với sức hấp dẫn mạnh nhất là nguồn lao động.
Theo ông, hệ thống BHXH lẫn chế độ an sinh bảo vệ người lao động là điều được các doanh nghiệp quan tâm trước khi đầu tư. Trong bối cảnh Việt Nam sắp sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ tác động phần nào đến xu thế đầu tư của doanh nghiệp nước này. "Chúng tôi mong muốn những ý kiến của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam sẽ được lắng nghe khi sửa đổi chính sách, đảm bảo hài hòa quyền lợi chủ sử dụng và người lao động", ông nói.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1973. Thống kê ghi nhận hơn 500.000 người Việt Nam sinh sống, lao động tại Nhật Bản và ngược lại, hơn 24.000 người Nhật làm việc, lưu trú tại Việt Nam đóng góp nhiều cho sự giao lưu kinh tế, văn hóa hai nước.
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản từ năm 1992, hiện dẫn đầu trong số 15 quốc gia phái cử thực tập sinh tại đây. Thu nhập bình quân lao động Việt tại Nhật đạt 1.200-1.400 USD mỗi tháng với thời gian làm việc 3-5 năm. Tính tới cuối năm 2022, hơn 345.000 lao động Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Nhật trong 84 ngành nghề.
Hồng Chiêu