Tại toạ đàm về bài học xử lý các dự án yếu kém ngày 5/4, ông Nguyễn Hùng Dũng, thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện tập đoàn liên quan 5 dự án gặp khó gồm: Bình Phước, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhiên liệu sinh học miền Trung, nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Nhưng với dự án Bình Phước, Nhiên liệu Sinh học Phú Thọ, PVN không có quyền hoặc không thể tham gia trong việc tái cơ cấu hoặc xử lý triệt để các dự án này do không nắm cổ phần chi phối.
Theo đó, dự án Bình Phước, Tập đoàn chỉ chiếm 29% cổ phần, phía nước ngoài nắm cổ phần chi phối. Tương tự, tại dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVN nắm 35%, phần còn lại thuộc các doanh nghiệp bên ngoài.
"Việc tham gia chỉ đạo, điều hành hoặc có can thiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp này cực kỳ khó", ông Dũng nói.
Với dự án Nhiên liệu sinh học miền Trung, ông Dũng cho biết, do các công ty con của Tập đoàn đầu tư, chi phối, lại gặp nhiều khó khăn về thị trường nên việc xử lý không đơn giản.
Khi dự án này được triển khai, giá dầu là 120-130 USD một thùng nhưng khi hoàn thành lại gặp khủng hoảng năng lượng dẫn đến hiệu quả kinh doanh sụt giảm. Mặt khác, việc đầu tư chi phí tài chính vào dự án này lớn, có thời điểm các doanh nghiệp của PVN tham gia góp vốn với lãi vay 25-27% mỗi năm gây tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh.
Còn với nhà máy đóng tàu Dung Quất, theo ông Dũng, khi tiếp nhận từ Vinashine, dự án đang trong giai đoạn đầu tư dở dang. Đến nay, nhà máy đã đóng một số tàu siêu trường, siêu trọng, thực hiện một số hoạt động sửa chữa, đóng mới các phương tiện cho các chủ tàu trong và ngoài nước, dần tiến đến tái cơ cấu toàn bộ dự án...
Thông tin tại toạ đàm cũng cho hay, trong số 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương, hiện có 5 dự án: nhà máy xơ sợi Đình Vũ, 3 nhà máy nhiên liệu sinh học và dự án DAP 1 - Hải Phòng đã được đưa ra khỏi danh mục các dự án yếu kém.
Với 7 dự án còn lại, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, có hai vấn đề nổi cộm đang cản trở việc xử lý.
Thứ nhất là vướng mắc về hợp đồng EPC (Hợp đồng nhà thầu trọn gói đối với dự án). Trong hợp đồng của tất cả dự án này đang có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu về nội dung, bao gồm cả khối lượng, thiết bị, chủng loại thiết bị, chính sách thuế.
Ông Hùng cho biết, chủ đầu tư và nhà thầu hiện chưa thống nhất và thương thảo được về vấn đề này. Đây là vướng mắc nhất tại nhà máy thép Thái Nguyên mở rộng, nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy đạm Hà Bắc.
Thứ hai là chi phí tài chính quá cao. Theo ông, có khá nhiều dự án được đưa vào diện hỗ trợ về mặt tài chính đầu tư trong giai đoạn 2010-2015 nhưng giai đoạn đó lãi suất cao, trong khi quá trình thực hiện bị chậm, thường là vài năm, dẫn đến lãi suất đã cao còn bị phạt, lãi mẹ đẻ lãi con.
Đơn cử Nhà máy đạm Hà Bắc (dự án giai đoạn 2 mở rộng) có chi phí tài chính đến hơn 30%, khó cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến lỗ tích lũy trong những năm vừa qua nhiều, kéo dài lên đến vài nghìn tỷ.
Để xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ, các chuyên gia cho rằng không có phương án tuyệt đối, chỉ có phương án tối ưu và phải theo nguyên tắc thị trường.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội nhận xét, không thể phá vỡ được các nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Theo ông, khi xử lý các dự án phải tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả. Thậm chí, cần tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, phục hồi đúng sản phẩm ban đầu nếu không có thị trường...
Ông Hùng cũng nói rằng, với cả 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách theo dõi, hướng xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp là bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp... chứ không can thiệp thô bạo.
Theo đó, các dự án được xét theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án. Đặc biệt với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm...
Đức Minh