Phát biểu tại Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 do UBND TP HCM và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức sáng 18/9, ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm Đầu tư & Thương mại của VBF, cho biết các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến thị trường logistics Việt Nam vì đây là trung tâm sản xuất của châu Á, nhu cầu nội địa cao.
Tuy nhiên, tại đầu tàu kinh tế này, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu. "Đường vào cảng Cát Lái, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt. TP HCM cũng chưa có trung tâm logistics quy mô lớn", ông Đức nói.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian xếp hàng làm thủ tục kéo dài, tạo ấn tượng không tốt. "Nhà đầu tư thường xuyên hỏi tôi vì sao lại mất thời gian như vậy", ông kể. Hạ tầng đường bộ xung quanh thành phố chưa đạt tiêu chuẩn như khu vực phía Bắc. Do vậy, cần làm rõ kế hoạch cải thiện kết nối vào TP HCM.
Hạ tầng logistics của khu vực lân cận cũng chưa mạnh. Ví dụ, khu vực Nam Bình Dương thiếu kho bãi mới chất lượng cao. Các kho cũ có thời hạn thuê đất dưới 20 năm và chưa có kế hoạch gia hạn rõ ràng nên không hấp dẫn đầu tư.
Đánh giá chung, VBF cho rằng cơ sở hạ tầng cảng biển, kho bãi hạn chế và chi phí cao. Chi phí logistics ở Việt Nam khoảng 25% GDP, chiếm 30-35% giá thành sản phẩm, cao hơn nhiều mức trung bình của thế giới khoảng 10-12%.
VBF thành lập năm 1997, là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Liên minh có thành viên là các phòng thương mại, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như AmCham, EuroCham, BritCham, AusCham, CanCham, KoCham, ThaiCham, InCham và VCCI.
Cùng với đề nghị cải thiện hạ tầng logistics, các doanh nghiệp nước ngoài muốn biết rõ hơn về lộ trình chuyển đổi xanh ngành giao thông. Mối quan tâm xoay quanh kế hoạch cụ thể loại bỏ các phương tiện cũ, gây ô nhiễm sang tiêu chuẩn Euro 5 và Euro 6, nhiên liệu thay thế và xe điện.
Các doanh nghiệp FDI nói muốn tập trung nhiều vào lĩnh vực logistics xanh, ưu tiên xe điện và nhiên liệu thay thế nhưng chưa rõ có thể nhập khẩu và sử dụng xe tải điện ở Việt Nam như thế nào.
Phản hồi ý kiến của VBF, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP HCM cho biết địa phương đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông trong đô thị lên 15% (hiện là 12,2%), tăng mật độ đường giao thông lên 2,5 km/km2 (hiện là 2,2 km/km2), và hướng đến mục tiêu 3,1 km/km2.
Về dự án cụ thể, TP HCM đã hoàn thành 2 trong 5 tuyến cao tốc, đang triển khai có cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hệ thống đường vành đai có Vành đai 3 đang thực hiện và Vành đai 4 chuẩn bị đầu tư. Địa phương có kế hoạch nghiên cứu nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, 1K, 50, 22, và 13. Với đường sắt đô thị, tuyến metro số 1 có thể hoàn thành năm nay và số 2 dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026-2030.
Về ùn ứ khu vực cảng Cát Lái, quanh sân bay Tân Sơn Nhất, ngành giao thông đang phối hợp với cảnh sát và địa phương để giải tỏa ách tắc, có lực lượng phản ứng nhanh. "Nhà ga T3 của Tân Sơn Nhấ và tuyến đường xung quanh dự kiến dịp 30/4/2025, giúp giao thông khu vực này cải thiện", ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Công Hoàn, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết tình trạng quá tải do sân bay đang phục vụ 41,6 triệu khách năm mỗi năm, vượt công suất thiết kế rất nhiều (28-30 triệu khách mỗi năm).
"Với hạ tầng quá tải, đôi khi không tránh khỏi hạn chế về chất lượng dịch vụ, đông đúc lúc cao điểm", ông nói. Tuy nhiên, ga T3 có sông suất 20 triệu khách mỗi năm sẽ hoàn thành sau 7 tháng nữa, kết hợp với sân bay Long Thành đưa vào khai thác trong tương lai sẽ góp phần giảm tải cho Tân Sơn Nhất.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan xác nhận một trong những khó khăn hàng đầu của giao thương tại khu vực TP HCM là hạ tầng giao thông. Hệ thống kết nối vùng thiếu các trục đường vòng, ngang và nhánh rẽ trong khi hệ thống sông ngòi chằng chịt. "Hạ tầng là khâu yếu nhưng đang được Chính phủ quan tâm và sắp tới sẽ mở rộng", ông nêu.
TP HCM cũng đang có dự án lớn - Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. "Chúng tôi kêu gọi đầu tư vào án này và các dự án hạ tầng giao thông thuỷ khác. Rất nhiều cơ hội đang chờ đón nhà đầu tư", ông Hoan nói.
Liên quan đến lộ trình chuyển đổi xanh logistics, Phó chủ tịch TP HCM cho biết địa phương đã có kế hoạch chi tiết chuyển đổi phương tiện sang điện và sắp công bố để tiếp thu ý kiến đóng góp.
Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng đang xây dựng đề án kiểm soát khí thải, giao Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM thí điểm tại huyện Cần Giờ. Về phương tiện, trước mắt giai đoạn 1 chuyển đổi xe buýt chạy dầu/xăng sang điện toàn bộ vào 2030, giai đoạn 2 nghiên cứu đưa loại hình còn lại như taxi, xe công nghệ, xe cá nhân dùng điện toàn bộ vào 2050.
"Chúng tôi đang phối hợp các sở giao thông địa phương lân cận để thống nhất cách tổ chức thực hiện, phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc, chính sách đồng bộ", Phó giám đốc Hoàn cho biết thêm.
Theo kế hoạch ban hành mới đây của UBND TP HCM, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và có khả năng cạnh tranh quốc tế vào 2045.
Viễn Thông