Từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng, các chiến lược gia và nhân viên ngân hàng tại Mỹ nhận thấy nhu cầu về quyền chọn (option) và hợp đồng hoán đổi tiền tệ - lãi suất (cross-currency swap) tăng vọt. Các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành công nghiệp và y tế, đều lo ngại biến động tiền tệ lớn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
"Cuộc bầu cử là chất xúc tác lớn với những người lo ngại rủi ro tiền tệ. Các doanh nghiệp vốn quen với tỷ giá ổn định nhiều năm qua đang gấp rút chuẩn bị cho kịch bản tiêu cực", Karl Schamotta - chiến lược gia thị trường tại hãng thanh toán Corpay - cho biết.
Các chính sách áp thuế nhập khẩu và bảo hộ thương mại của Trump được dự báo khiến thị trường ngoại hối biến động mạnh. Đây cũng là điều đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông,
Ngày 25/11, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ hàng hóa từ Mexico và Canada, cũng như thuế bổ sung 10% với hàng Trung Quốc ngay trong ngày đầu nhậm chức. Thông tin này khiến đồng peso Mexico có lúc mất giá 2%, đôla Canada mất 1,4% còn nhân dân tệ giảm 0,3%.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhân dân tệ mất giá 5% so với USD năm 2018, khi vòng áp thuế đầu tiên được thực hiện. Năm sau đó, khi căng thẳng leo thang, đồng tiền này giảm thêm 1,5% nữa.
Dollar Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 tiền tệ lớn - đã tăng 3,5% kể từ khi cuộc bầu cử tại Mỹ diễn ra. USD mạnh lên nhờ kỳ vọng các chính sách thương mại của Trump sẽ hỗ trợ nội tệ. Scott Bessent - người được Trump đề cử cho chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ - cũng ủng hộ đồng đôla mạnh và thuế nhập khẩu.
Đồng đôla mạnh lên đồng nghĩa doanh thu từ nước ngoài của các công ty Mỹ sẽ giảm khi đổi sang USD, từ đó làm giảm lợi nhuận. Các công ty trong chỉ số S&P 500 hiện ghi nhận 41% doanh thu ngoài Mỹ, theo hãng dữ liệu FactSet.
Một bất ổn khác là đến năm 2026, Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) sẽ được đánh giá lại. Hiệp định này được ký kết dưới thời Trump. Ông gần đây tuyên bố sẽ biến USMCA thành "một thỏa thuận tốt hơn nữa", nhưng không đưa ra chi tiết các thay đổi dự kiến.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng đang nỗ lực bình thường hóa chính sách tiền tệ, trong bối cảnh phải cân bằng giữa rủi ro lạm phát và nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Đây được coi là một trong nguyên nhân gây biến động tiền tệ trong các tháng tới.
Trong một cuộc khảo sát giữa tháng này của nền tảng giao dịch tiền tệ MillTechFX, khoảng 94% lãnh đạo tài chính tại các doanh nghiệp Mỹ, Anh cho biết kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ khiến họ phải thay đổi chiến lược phòng trừ rủi ro ngoại hối. Đồng peso Mexico và euro thuộc nhóm được phòng trừ nhiều nhất.
Đồng peso đã giảm hơn 2% từ sau cuộc bầu cử Mỹ và giảm 17% năm nay. Mexico là đối tác thương mại lớn của Mỹ, nhiều khả năng bị áp thuế nhập khẩu cao.
Dù chênh lệch lãi suất tham chiếu giữa Mỹ và Mexico đã thu hẹp từ sau cuộc bầu cử, chi phí phòng trừ rủi ro với đồng peso lại tăng, do đồng tiền này mất giá, Paula Comings - Giám đốc ngoại hối tại US Bank nhận định. "Những người muốn bán peso và mua USD đang lưỡng lự. Họ đang cân nhắc sử dụng quyền chọn", Comings nói.
Nhiều doanh nghiệp dự báo biến động thương mại cũng sẽ gây sức ép lên Đông Á và châu Âu. Comings cho biết euro đã giảm 4% kể từ sau cuộc bầu cử tại Mỹ. Rủi ro châu Âu bị áp thuế nhập khẩu đang tăng lên, trong bối cảnh kinh tế Đức yếu đi và sản xuất trì trệ tại nhiều nước trong khu vực. Một báo cáo tháng trước của ngân hàng Goldman Sachs ước tính các đề xuất thuế của Trump có thể khiến giá euro giảm 10% so với USD.
Comings cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực y tế và công nghiệp quan tâm đến hợp đồng hoán đổi tiền tệ - lãi suất để quản lý rủi ro ngoại hối và giảm chi phí lãi vay. "Nếu muốn bảo vệ mình trong dài hạn, doanh nghiệp phải chấp nhận chi phí cao, hoặc tìm phương án thay thế thôi", Tom Hoyle - Giám đốc kinh doanh tại MillTechFX - kết luận.
Hà Thu (theo Reuters)