Các nước xuất khẩu tôm đang mong đợi USITC sẽ ra phán quyết công minh. |
Tu chính án Byrd của Mỹ là một đạo luật cho phép các công ty đi kiện chống bán phá giá, nếu thắng kiện sẽ được hưởng số tiền thuế thu được từ hàng bán phá giá nhập khẩu. Tuy nhiên, đạo luật này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chính tổ chức này cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, yêu cầu chỉnh sửa sớm. Đại diện ASDA đã ám chỉ đến vụ việc này để khuyến cáo các nguyên đơn trong vụ kiện tôm.
Theo ASDA, vấn đề của các ngư dân Mỹ nằm ở chỗ sản phẩm của họ là tôm đánh bắt tự nhiên và tự thân nó rất kém thế cạnh tranh, chứ không phải là do hàng nhập khẩu. Chủ tịch ASDA Wally Steven cho rằng, ngành tôm nội địa cần được hỗ trợ về tài chính để làm tăng giá trị cho sản phẩm của mình và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Cũng theo ông Wally Steven, lâu nay, cộng đồng các nhà nhập khẩu và phân phối hải sản Mỹ đã nhiều lần có ý muốn giúp đỡ tài chính cho ngành tôm nội địa và khuyên rằng việc nộp đơn kiện để trông chờ vào khoản tiền thuế từ Tu chính án Byrd không phải là lời giải đáp cho bài toán khó khăn hiện nay. Trong khi đó, Bộ Thương mại - DOC cũng đã tuyên bố mức thuế mới thấp hơn rất nhiều so với đề nghị của ngành tôm nội địa. "Điều đó cho thấy lời khuyên của ASDA càng có cơ sở. Việc đi kiện không mang lại lợi nhuận cho bất cứ ai mà chỉ làm tổn hại thị trường, tăng gánh nặng giá cả đối với người tiêu dùng và làm thiệt hại hàng nghìn công nhân Mỹ đang làm việc trong các ngành chế biến và tiêu thụ tôm", ông Steven nhấn mạnh trong bản thông cáo vừa phát đi chiều qua.
Hiện nguyên đơn của vụ kiện là Liên minh Tôm miền Nam (SSA) và một tổ chức khác cũng có ý định kiện là Hiệp hội tôm Louisiana tỏ ra thận trọng song không bày tỏ ý kiến là sẽ bác bỏ đề nghị này.
Giới quan sát cho rằng, đưa ra khoản tiền lớn tới 100 triệu USD để thương lượng không phải là điều dễ dàng với ASDA. Tuy nhiên, chuyện rút lại đơn kiện cũng chẳng dễ dàng chút nào với SSA, dù nó là điều cho phép trong luật pháp Mỹ. Đây là vấn đề thể diện của SSA và chẳng có lý gì mà một người đi kiện với bao quyết tâm mong chiến thắng lại dễ dàng thoái lui khi người khác bỏ tiền ra đề nghị rút đơn. ASDA cũng hiểu chuyện này nên trong các cuộc thương lượng, họ đều nói họ không phải là người bị kiện mà chỉ muốn giúp đỡ SSA với tư cách của những đồng bào.
Hơn ai hết, cộng động doanh nghiệp xuất khẩu tôm của 6 nước rất hoan nghênh động thái này của ASDA. Theo họ, kể cả trong trường hợp SSA không đồng ý rút đơn kiện, đề nghị của ASDA có thể sẽ gián tiếp tác động tới việc Ủy ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ (USITC) ra phán quyết cuối cùng hôm 31/1/2005. "Việc USITC tuyên bố tôm nhập khẩu không gây thiệt hại vật chất tới ngành tôm nội địa là giải pháp hợp lý cuối cùng cho vụ kiện vô lý này. Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã đi bước đầu tiên để đưa sự vô lý đó gần về mức "zero". Công việc còn lại thuộc về USITC", đại diện một doanh nghiệp tôm của Việt Nam bình luận.
Song Linh