Tại hội thảo về triển khai Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Lao động khu vực phía Bắc vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Chí Dũng - Phó giám đốc Văn phòng giới chủ sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra băn khoăn của doanh nghiệp về về vấn đề làm thêm giờ. Theo đó, các công ty sản xuất hàng xuất khẩu dưới sức ép của đơn hàng và áp lực khó tuyển được nhân công hiện nay đều cho rằng thời gian làm thêm tối đa 200-300 giờ là quá ít và mong muốn tăng lên 500-600 giờ mỗi năm.
Ông Dũng cho hay, vào thời điểm xây dựng Bộ luật lao động 2012, giới chủ có đề xuất tăng mức làm thêm giờ lên 500 giờ mỗi năm. Khi đó, đề xuất nhận được ít nhiều ủng hộ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trong dự thảo đầu tiên của bộ luật cũng thống nhất với mức làm thêm 400 giờ. "Nhưng không hiểu vì sao đến khi thông qua lại chỉ dừng lại ở mức 200- 300 giờ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài phản đối kịch liệt bởi cho rằng, Việt Nam là nước đang phát triển, đang phải nỗ lực làm việc mà giờ làm thêm còn ít hơn cả những nước phát triển như Nhật Bản hoặc một số nước khác là nghịch lý", vị này nói.
"Chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần nới lỏng quy định làm thêm giờ. Quy định như hiện nay là trói doanh nghiệp, không cho họ phát triển. Làm như vâyh cũng tạo ra một phần thu nhập cho người lao động", đại diện này đề xuất và đưa ra dẫn chứng hiện nay trong nhiều doanh nghiệp có tình trạng đình công để được làm thêm giờ, nhóm công nhân này mâu thuẩn với nhóm kia cũng bởi vì một trong hai nhóm được làm thêm giờ.
Đại diện giới chủ cũng cho rằng, hiện nay ngoài chi phí sản xuất, họ đang phải gánh quá nhiều chi phí khác khiến cho sản xuất khó khăn, đặc biệt là phí công đoàn 2%. Rất nhiều doanh nghiệp kêu ca điều này không phù hợp với thông lệ thế giới, đi ngược lại các tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
"Tổ chức công đoàn phải độc lập với Chính phủ và độc lập với giới chủ. Đằng này, cơ quan quản lý lại đứng ra giúp công đoàn thu tiền, giới chủ phải đóng tiền cho công đoàn. Đó là một nghịch lý chỉ tồn tại ở Việt Nam", ông Dũng nói và cho biết nhiều ý kiến của chủ doanh nghiệp nói rằng không muốn đóng tiền cho tổ chức "đối chọi" với họ.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền cũng đưa ra ý kiến cho rằng thời giờ làm thêm ở Việt Nam đang quá ít. Thậm chí cho người lao động làm thêm đến 200 giờ cũng phải thỏa thuận với lao động là điều không cần thiết. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị tăng thêm mức làm thêm từ 400-500 giờ mỗi năm.
"Mỗi ngày làm thêm khoảng 1,5 giờ. Mỗi tuần làm thêm khoảng 40 giờ không phải là mức cao. Đó là điều bình thường mà sức khỏe người Việt Nam có thể chịu đựng được", bà Huyền nhận định và đưa ra đề xuất Bộ Lao động, Tổng liên đoàn và VCCI nên tổ chức một cuộc khảo sát lấy ý kiến xem người lao động đồng tình hay phản đối làm thêm giờ ở mức đưa ra.
Không đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm, đại diện người lao động cho rằng việc doanh nghiệp lấy lý do mùa vụ, xuất khẩu nên cần làm thêm là chưa thỏa đáng. Ông Lê Trọng Sang - Trưởng ban quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động) đặt các câu hỏi thể chất người Việt Nam ra sao? Bữa ăn của công nhân hiện nay như thế nào? Đã đảm bảo được chất lượng dinh dưỡng có thể nuôi dưỡng người lao động trong thời gian lao động và tái tạo sức lao động hay không?
Ông nhấn mạnh, nói là doanh nghiệp thời vụ xuất khẩu cần nhân công, cần lao động làm thêm giờ nhưng nên coi lại xuất khẩu của Việt Nam là xuất khẩu cái gì? Giày da, nông thủy sản, cao su, dầu thô... Theo ông, với mức làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm, doanh nghiệp nên sử dụng linh hoạt vào các thời điểm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh một thực trạng thấy rõ hiện nay là nhiều doanh nghiệp không muốn thay đổi thiết bị, máy móc để nâng cao năng suất lao động mà chỉ chăm chăm muốn tăng thì giờ làm thêm.
"Chúng tôi chia sẻ với doanh nghiệp, bởi vì họ tồn tại thì người lao động mới tồn tại và chúng tôi cũng mới tồn tại. Nhưng không có nghĩa là bất chấp tất cả", ông nói.
Ông Mai Đức Thiện - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và xã hội) không đồng tình với ý kiến của đại diện giới chủ cho rằng nếu làm thêm trong khung thời gian cho phép là 200 giờ mỗi năm thì không cần xin phép người lao động. Ông Thiện phân tích, người lao động ký hợp đồng với chủ sử dụng lao động 8 giờ một ngày. Nếu muốn làm thêm giờ thì hai bên cần có sự thỏa thuận với nhau theo phương thức cá nhân hoặc tập thể thông qua thỏa ước đúng quy định của pháp luật. "Không phải chủ doanh nghiệp thích thì có thể bắt người lao động làm thêm, điều đó không hợp lý", ông nói.
Ông Thiện cũng cho hay, trong vấn đề này đã có sự giằng co, tranh cãi từ lâu. Quan điểm của giới chủ là muốn nâng giờ làm thêm lên 600 giờ, phía Tổng liên đoàn muốn giữ nguyên như hiện nay. Quan điểm của Bộ là nên hài hòa lợi ích giữa các bên, khuyến nghị các bên tham khảo kinh nghiệm của các nước khác có những điểm tương đồng trong khu vực về vấn đề này.
Lý giải vì sao lao động không muốn làm thêm giờ, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, hiện nay tăng thời gian làm thêm là tăng cường độ lao động chứ không phải năng suất lao động. Càng tăng cường độ lao động thì chi phí tiền lương trong giá thành chiếm tỷ trọng càng cao.
"Biện pháp hiệu quả là cần phải đầu tư vào trang thiết bị, công nghệ để tăng năng suất lao động chứ không phải cứ tăng giờ làm thêm, tăng cường độ lao động là được. Chỗ này, đại diện giới chủ cần xem xét lại", ông Lợi nêu ý kiến.
Thanh Hòa