Trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định chất lượng lao động là thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại Châu Á. Trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm. Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp...
Cũng bàn về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học lao động và xã hội cũng cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực chỉ đạt 3,39 trên 10 điểm, cho thấy Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%.
Bên cạnh đó, về tình trạng thể lực của lao động Việt Nam, theo ông Lợi, cũng chỉ ở mức trung bình kém (cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai) chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, kỷ luật lao động còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực. Một bộ phận lớn người lao động hiện nay chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, tùy tiện về giờ giấc và hành vi. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.
Ông Lợi cũng nhận định, năng suất lao động của Việt Nam trong mấy năm gần đây tuy vẫn tăng nhưng vẫn rất thấp. Ông nhắc lại số liệu công bố cuối năm ngoái của Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 3.515 USD một người. Trong đó, năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp-xây dựng gấp 1,8 lần, dịch vụ gấp 1,36 lần. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám năng suất lao động của Singapore, bằng một phần sáu của Malaysia, bằng một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc.
Theo ông Lợi, một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của Việt Nam là tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao, chất lượng nguồn lao động thấp… Lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp chiếm 46,6% nhưng chỉ tạo ra 18,12% GDP. Cũng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội.
Câu chuyện năng suất lao động của Việt Nam đã nhiều lần được đề cập đến từ giữa năm 2014 sau khi một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố. Kết quả cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu). Theo đó, năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần ăm Thái Lan.
Tại kỳ họp của Quốc hội vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc - Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có cách hiểu đúng về so sánh năng suất lao động của 15 người Việt mới bằng một người Singapore. Ông cho rằng, nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của năng suất lao động và thực tế của Việt Nam. Bởi vì năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của đất nước và do nhiều yếu tố chi phối như xuất phát điểm của đất nước, khoa học kỹ thuật... không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động.
Minh Châu