Mùa lễ hội cuối năm đồng thời cũng là mùa cao điểm mua sắm luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Sự kiện năm nay có phần đặc biệt hơn khi trùng thời điểm cả nước vừa quay lại với nhịp sống "bình thường mới" sau thời gian giãn cách dài. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ và nhà bán hàng kỳ vọng vào doanh thu bứt phá trên thương mại điện tử dịp cuối năm.
Nắm thời cơ khi lỡ nhịp phát triển TMĐT từ sớm
Lên sàn thương mại điện tử từ năm 2016 nhưng chưa chú trọng đầu tư, chị Trác Tuyết Đào thừa nhận, đã đánh mất cơ hội phát triển thương hiệu từ sớm. Hai năm qua, nhận thấy vai trò của thương mại điện tử với các doanh nghiệp nhỏ và nhà bán hàng, chị mới chú trọng hơn. "Bắt đầu trễ không có nghĩa là quá muộn. Tôi đang nỗ lực đầu tư để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh người người nhà nhà đều lên sàn thương mại điện tử", chị Đào bày tỏ.
Theo đó, chị Đào nỗ lực tham gia các khóa học để trau dồi kỹ năng kinh doanh online, vì ngành này luôn thay đổi, nếu không cập nhật liên tục, sẽ bị thụt lùi. Gặp khó khăn hay trở ngại khi hoạt động trên sàn, chị đều được nhân viên tư vấn và hỗ trợ hết mình.
Trong lễ hội mua sắm gần nhất, gian hàng mang về cho chị doanh thu gần 500 triệu đồng. Có ngày gian hàng phát ra gần 500 đơn. Chị đánh giá đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội mới được nới lỏng. Chị Đào kỳ vọng tăng trưởng doanh thu 50% cho sự kiện mua sắm 11/11 tới.
Cũng như nhiều nhà bán hàng, dịp 11/11 sắp tới là cơ hội để chị Đào đầu tư và tăng trưởng gian hàng thương mại điện tử. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm của người dùng, chị Đào đã chuẩn bị kỹ về nguồn hàng. Cuối năm, gian hàng của chị phục vụ chủ yếu khách hàng ở các tỉnh phía Bắc với sản phẩm áo dạ, phao. Các sản phẩm của chị chủ yếu là hàng nhập nên chị Đào tính toán khá kỹ về nguồn hàng, sao cho vừa đủ, không để bị dư thừa nhiều.
"Mọi thứ đều tăng giá nên mình phải cẩn trọng để có đủ hàng phục vụ khách. Đặc điểm của các sản phẩm thời trang mùa lạnh là giá thành khá cao nên nếu nhập thừa sẽ bị lỗ nhiều", chị giải thích.
Song song đó, chị cũng tích cực chạy quảng cáo để tăng độ nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng.
Từ kênh bán lẻ bên lề đến mô hình kinh doanh trọng điểm
Kinh doanh sản phẩm chế biến từ quả dừa, Công ty cổ phần chế biến dừa Á Châu ra đời năm 2014. Tháng 6/2019, doanh nghiệp mới phát triển kênh bán lẻ qua sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, chị Lê Nguyên Thảo, Phó giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần chế biến dừa Á Châu, cho biết, giai đoạn đầu, doanh nghiệp không chăm chút cho thị trường này, chỉ xem thương mại điện tử là kênh bán lẻ bên lè, do đó, kết quả thu về không khả quan. Khi thương mại điện tử nở rộ, doanh nghiệp mới quan tâm đầu tư hơn.
Sau 2 tháng lên sàn, doanh nghiệp có đơn hàng đầu tiên. Nhưng phải gần một năm sau, doanh thu trên kênh này mới ổn định và tăng trưởng gấp 8 lần so với thời điểm trước dịch. Đại diện công ty cho biết, thành quả này có được nhờ sự bền bỉ, cũng như những hỗ trợ tích cực từ nền tảng thương mại điện tử Lazada. Công ty liên tục được sàn tư vấn về thống kê các mặt hàng ưa chuộng trong mùa dịch, đẩy mạnh lượt truy cập cho các sản phẩm nhằm tạo thói quen mua hàng thường xuyên cho nhóm khách hiện tại và tiếp cận nhóm khách hàng mới.
Hiện tại, doanh thu bán hàng của dừa Á Châu trên sàn thương mại điện tử tăng trưởng hơn 5 lần so với thời điểm trước dịch. Đại diện doanh nghiệp kỳ vọng, doanh thu trong mùa lễ hội mua sắm sắp tới có thể tăng ít nhất gấp đôi so với thời điểm cao nhất trong dịch, nhất là qua các sự kiện 11/11, 12/12...
Chị Nguyên Thảo cũng dự đoán, nhu cầu mua sắm cuối năm nay có thể cao hơn mọi năm. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm liên quan đến đời sống hàng ngày (đồ ăn thức uống, các mặt hàng gia dụng...), thời trang, mỹ phẩm, và sản phẩm đặc biệt phục vụ lễ, Tết.
Nhận định mặt hàng của công ty có đầu ra khả quan, chị Thảo cùng các đồng nghiệp tập trung chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu phục vụ việc đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hoá ra thị trường tăng cao vào dịp cuối năm. Công ty cũng tăng cường nguồn nhân lực, bao gồm nhân lực cho việc đóng gói hàng hoá cũng như đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng, túc trực trả lời và tư vấn khách hàng, nhằm giúp khách hàng có trải nghiệm mua sắm tốt trong mùa cao điểm.
Cũng theo chị, xu hướng mua sắm sẽ hướng về các kênh thương mại điện tử, với ưu điểm nhanh chóng tiện lợi, nhiều lựa chọn, các thông tin đều có thể kiểm tra dễ dàng, và quan trọng là không cần phải tiếp xúc đông người. Để đón đầu xu hướng này, công ty chủ động tham gia các lễ hội mua sắm trên sàn thương mại điện tử, khuyến mãi sâu nhằm kích cầu mua sắm sau dịch, đồng thời, tổ chức chương trình khách hàng thân thiết, đổi điểm mua sắm lấy voucher...
Lưu ý khi chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm
Theo báo cáo số liệu hành vi tiêu dùng của Lazada, người tiêu dùng đang hướng đến việc chi tiêu hiệu quả, thông minh thông qua việc lựa chọn mua hàng vào các dịp lễ hội mua sắm lớn, sắp tới là 11/11, 12/12 cũng như thường xuyên vào các sàn thương mại điện tử để theo dõi và chọn mua các sản phẩm giảm sâu, thu thập voucher giảm giá, voucher tích lũy và tích cực tham gia các chương trình mua sắm kết hợp giải trí, game quy đổi ưu đãi...
Cũng theo nền tảng thương mại điện tử này, các ngành hàng bách hóa, điện tử và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Các ngành hàng làm đẹp, thời trang sẽ có thể bùng nổ trong quý IV. Người tiêu dùng thậm chí sẽ chi tiêu mạnh tay ở phân khúc sản phẩm cao cấp sau khi phải tiết chế mua sắm trong giai đoạn giãn cách.
Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống cũng sẽ sớm hơn tập trung vào các nhóm hàng cá nhân như quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm cho bé... Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa trái sẽ được mua vào khoảng thời gian cận Tết hơn.
Dựa theo những dự báo của Lazada, nhà bán hàng có thể chủ động đưa ra kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ mùa mua sắm cuối năm, đồng thời bứt phá doanh thu sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Huyền Anh