Mấy ngày nay, bà Thanh Ngân, giám đốc một công ty vận tải ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đôn đáo chỉ đạo nhân viên liên hệ với các khu công nghiệp thuê một đoạn đường trong khu làm đường thử phanh cho đội xe siêu trường, siêu trọng. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp có 20 xe đến hạn mà không thể kiểm định, phải nằm bãi do không có đường thử phanh.
Theo bà Ngân, xe không hoạt động song doanh nghiệp vẫn trả lãi vay, lương nhân viên, phí bảo trì đường bộ. Mỗi tháng chi phí cố định cho mỗi xe khoảng 30 triệu đồng, nhiều xe chờ đăng kiểm khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Xe siêu trường, siêu trọng là phương tiện đặc thù, không thể đăng kiểm tại các trung tâm kiểm định. Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải quy định doanh nghiệp có xe siêu trường, siêu trọng cần bố trí đường thử phanh, có văn bản đề nghị đơn vị đăng kiểm đến kiểm tra tiêu chuẩn đường và đăng kiểm xe.
Khó khăn của bà Ngân cũng như nhiều doanh nghiệp khác là không tìm được đường thử phanh. Mấy tháng qua, công ty đã liên hệ với nhiều khu công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu để thuê một đoạn đường song đều bị từ chối. "Chúng tôi phải làm nhiều văn bản gửi khu công nghiệp xin thuê đường và gửi đăng kiểm đề nghị đến kiểm tra chất lượng đường. Việc này rất mất thời gian", bà Ngân nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn An, giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội, cho hay hiện có hơn 10 xe siêu trường, siêu trọng phải dừng hoạt động do không được kiểm định. Xe nằm bãi khiến đơn hàng ùn ứ, lái xe phải nghỉ việc, doanh nghiệp thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi ngày.
Ông An cho rằng việc tìm đường thử phanh để kiểm định cho xe siêu trường, siêu trọng nên thuộc về cơ quan đăng kiểm. Mỗi tỉnh nên có vài vị trí để doanh nghiệp đưa xe đến đăng kiểm, thay vì mỗi đơn vị đôn đáo tự tìm đường.

Xe siêu trường, siêu trọng thường phải đăng kiểm ngoài trung tâm. Ảnh: Xuân Hoa
Theo ông Đặng Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, một số doanh nghiệp vận tải có sân bãi rải đá cấp phối hoặc bêtông nhựa được lu lèn chặt, bằng phẳng để đỗ xe siêu trường, đủ diện tích và chiều dài để bố trí "đường kiểm tra hiệu quả phanh". Tuy nhiên, do không phải là mặt sân bêtông nhựa hoặc bêtông xi măng tiêu chuẩn đường ôtô nên không thể đáp ứng về độ bằng phẳng, hệ số bám theo quy chuẩn.
Một số doanh nghiệp không có sân bãi nhưng đã liên hệ thuê, mượn đường trong khu công nghiệp không có người, phương tiện tham gia giao thông thường xuyên. Tuy nhiên về mặt pháp lý, quy định khai thác, sử dụng các đoạn đường này vào mục đích làm "đường kiểm tra hiệu quả phanh" thì Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc cơ sở kiểm định phải có công văn đề nghị và được tổ chức quản lý đoạn đường đó hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đoạn đường bộ đó (Sở Xây dựng hoặc Khu Quản lý đường bộ) cho phép.
"Hai nguyên nhân trên khiến tình trạng xe siêu trường, siêu trọng đến kỳ hạn nhưng không được kiểm định ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến chuỗi logistics, thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Chung nói.
Để giải quyết, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam mới đây kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam có công văn gửi các Sở Xây dựng, Khu quản lý đường bộ chỉ đạo tổ chức quản lý đường bộ tạo điều kiện cho cơ sở đăng kiểm thuê, hoặc mượn đoạn đường làm đường kiểm tra hiệu quả phanh. Đồng thời, Cục Đăng kiểm chỉ đạo cơ sở đăng kiểm phối hợp với doanh nghiệp, trực tiếp làm việc với tổ chức quản lý hoặc cơ quan quản lý nhà nước về đoạn đường bộ đó để thống nhất và được phép sử dụng làm đường kiểm tra hiệu quả phanh.
Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung hạng mục "đường kiểm tra hiệu quả phanh" trong Thông tư số 47/2024 theo hướng giao các Sở Xây dựng cho phép sử dụng những đoạn đường giao thông có nhiều làn xe chạy, mật độ tham gia giao thông thấp làm đường kiểm tra hiệu quả phanh.
Liên quan đến nội dung này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết theo quy định, doanh nghiệp có nhu cầu kiểm định xe siêu trường, siêu trọng có trách nhiệm bố trí đường thử để thử hiệu quả phanh của phương tiện và có văn bản đề nghị gửi các cơ sở đăng kiểm kiểm định loại phương tiện này.
Việc tìm kiếm đường thử phanh với các xe kiểm định ngoài cơ sở không khó, có thể sử dụng đường nội bộ của doanh nghiệp, hoặc thuê đường nội bộ trong các khu công nghiệp, miễn là đáp ứng điều kiện về an toàn, tiêu chuẩn đường thử trong quy chuẩn. Tại Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp vận tải thuê đường trong khu công nghiệp để kiểm tra phanh cho xe siêu trường, siêu trọng nên không có tình trạng xe phải nằm bãi.
Đường thử phanh tối thiểu rộng 30 m, dài 3 km, chi phí đầu tư xây dựng lên đến hàng chục tỷ đồng, trong khi giá dịch vụ kiểm định mỗi xe quá khổ chỉ 190.000 đồng, số lượng không nhiều so với loại phương tiện khác. Vì thế các đơn vị đăng kiểm không thể đầu tư đường thử, theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam.