"Tình hình sẽ rất căng thẳng", ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group, công ty tiên phong xuất trái cây tươi vào Mỹ từ 2008, nói về mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam ông Trump vừa công bố.
Rau quả của Vina T&T và các doanh nghiệp khác xuất khẩu vào Mỹ đang chịu thuế không đáng kể, ở mức vài phần trăm (%), trừ sầu riêng đông lạnh cao nhất 16%. Năm ngoái, Mỹ mua 360 triệu USD rau quả Việt, trong đó, Vina T&T Group góp 62 triệu USD, chiếm một phần sáu thị phần, theo ông Tùng.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết điều doanh nghiệp này lo ngại nhất là sức cạnh tranh của hàng Việt với các nước giảm sút khi bị áp thuế đối ứng. "Đối tác Mỹ nhập hàng của Việt Nam mà không cạnh tranh được thì họ sẽ quay ra mua từ Thái Lan hoặc các nước khác", ông nhận định. Bởi theo ông, thuế nhập khẩu của Mỹ tăng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng nước này.
"Trước đây, họ chỉ phải bỏ 10 đồng để mua trái cây của Việt, thì giờ trả 15 đồng. Do vậy, họ sẽ đắn đo chọn mặt hàng khác, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay", ông nói thêm.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Giang Huy
Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Có 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, trong đó 3 nhóm áp đảo gồm máy tính - linh kiện với 23,2 tỷ USD; máy móc thiết bị và dệt may lần lượt 22 tỷ và 16,2 tỷ USD.
Điện thoại, gỗ hay giày dép cũng là nhóm hàng đem lại giá trị lớn, dao động 8,3-9,8 tỷ USD. Nông sản cũng có đóng góp quan trọng, như hạt điều và thủy sản lần lượt 1,15 tỷ và 1,83 tỷ USD hay cà phê gần 323 triệu USD.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế. Trong đó, Việt Nam chịu mức 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Việt Thắng Jean, bày tỏ lo lắng khi doanh nghiệp của ông đang chịu thuế 16%, nhưng tổng mức thuế có thể lên tới 62% khi cộng thuế đối ứng.
Mỹ hiện là thị trường mua tới 40% sản lượng của Việt Thắng Jean. "Bài toán duy trì thị trường trở nên cực kỳ nan giải. Nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, công ty sẽ khó lòng cạnh tranh và đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn", ông Việt lo ngại.
Doanh nghiệp của ông Việt không phải là trường hợp cá biệt, nhiều công ty dệt may khác cũng cho biết họ đã gặp không ít khó khăn những năm qua khi người tiêu dùng Mỹ giảm chi tiêu do lạm phát tăng. Việc áp thuế lần này có thể "bồi" thêm khó khăn cho cả phía công ty xuất khẩu và người tiêu dùng tại Mỹ.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3, Đà Nẵng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông
Không chỉ dệt may, ngành thủy sản cũng đối diện nguy cơ mất thị phần. Từ lâu, cá tra Việt Nam đã chịu mức thuế chống bán phá giá cao, nay nếu bị áp thêm thuế đối ứng, khả năng cạnh tranh của ngành này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết giá cá tra xuất sang Mỹ khoảng 3,4 USD một kg. Giá này sẽ tăng lên 150% khi chịu thêm thuế đối ứng, khó cạnh tranh với các đối thủ khác.
Tương tự, gỗ cũng là ngành khó tránh khỏi tác động trước thuế đối ứng của Mỹ. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho hay Mỹ hiện chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Các mặt hàng gỗ đang được hưởng thuế 0% khi vào Mỹ, nhưng mức này có thể tăng lên 24% nếu bị áp thuế đối ứng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đình trệ đơn hàng, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng.
"Hiệp hội và các doanh nghiệp đang chờ thêm thông tin để đánh giá, chưa thể đưa ra bất kỳ giải pháp nào", ông Phương cho hay.
Bình luận riêng về thuế đối ứng 46% Mỹ đưa ra với Việt Nam, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nói "đây là mức rất cao so với nhiều quốc gia". Theo ông, các mặt hàng chịu tác động lớn gồm những ngành có tỷ trọng xuất cao sang Mỹ như nông sản, gỗ, điện tử, dệt may... Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng mặt hàng này, cùng đơn vị hỗ trợ xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng.
"Do đó, đây là điểm bất lợi của hàng Việt trong cạnh tranh với sản phẩm từ các nước", TS Bình nói thêm.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức - chuyên gia chính sách công, thêm rằng xét tương quan, hàng Việt sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10-20% so với đối chủ chính. Trên tấm bảng thuế Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm tại Nhà Trắng, mức thuế áp lên Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Philippines 17%... Thuế suất của Việt Nam tương đương Campuchia (49%), Lào (48%), Sri Lanka (44%).
"Như vậy, các mặt hàng chính gồm đồ điện, điện tử, dệt may, da giầy, nội thất... sẽ chịu mức thuế suất 46% trong một tuần nữa", ông Đức nhìn nhận.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) cho rằng, chính sách này phản ánh nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump trong giảm thâm hụt thương mại, vốn đạt 1.200 tỷ USD năm ngoái, nhằm tái định vị Mỹ trong thương mại toàn cầu. Điểm đặc biệt, thuế đối ứng lần này kết hợp cả rào cản phi thuế quan và chính sách thao túng tiền tệ mà Washington cho rằng các nước áp dụng cho hàng hóa của họ.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nhận định công thức tính thuế dựa trên thâm hụt, nghĩa là chuyển từ thuế theo ngành sang quốc gia, dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương, như Việt Nam (90%) hay Trung Quốc (54% tổng thực tế). Cùng với đó, theo ông, Tổng thống Trump cho rằng thuế "có đi có lại" này mới chỉ bằng một nửa mức Mỹ tính toán, thể hiện ý định linh hoạt, mở đường cho đàm phán song phương với các nước.
Dù vậy, một số sản phẩm của các nước sẽ không phải chịu thuế đối ứng. Ví dụ, nhôm, thép, xe hơi, phụ tùng xe hơi đã bị Mỹ áp thuế 25% trước đó, sẽ tiếp tục áp dụng mức này. Tương tự, vàng, đồng, dược phẩm, sản phẩm bán dẫn, gỗ và một số loại năng lượng, khoáng sản không có tại Mỹ cũng không phải tuân thủ thuế đối ứng.
Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp đều chịu tác động nặng nề từ mức thuế mới. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, cho biết công ty không bị ảnh hưởng nhiều bởi thuế đối ứng 46%, bởi Mỹ không phải là thị trường xuất khẩu lớn của họ.
"Vừa sáng nay chúng tôi chốt đơn hàng xuất khẩu tiêu vào Canada và Mỹ. Phúc Sinh đang là doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào Mỹ. Nếu không mua hạt tiêu của Việt Nam, họ mua tiêu của nước nào?", ông Thông nói. Điều này cho thấy, với những mặt hàng có vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế, mức thuế cao không hẳn là yếu tố quyết định đến nhu cầu nhập khẩu của các đối tác nước ngoài.
Để lấy lại năng lực cạnh tranh, TS Lê Duy Bình cho rằng Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách chệnh lệch thuế của Việt Nam so với các nước. Cùng với đó, Việt Nam cần đa dạng hơn nữa thị trường xuất khẩu và nâng cao thị trường nội địa.
"Nhiều quốc gia đã tìm cách giữ tỷ trọng xuất khẩu ở mức hợp lý, đồng thời nâng thị trường trong nước trở thành một trụ cột của nền kinh tế", TS Bình nói, khuyến nghị trong thời điểm này Chính phủ có thể cắt giảm tiếp chi phí môi trường kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ông Bình cho rằng một trong các biện pháp Việt Nam có thể sử dụng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, chẳng hạn các sản phẩm công nghệ.
Chuyên gia Nguyễn Minh Đức cho rằng Việt Nam đang có một số "lá bài" trên bàn đàm phán thuế với Mỹ, ví dụ mua sắm công. Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ mua hàng Mỹ nhiều hơn. Các mặt hàng đang được nhắm đến là trực thăng, máy bay, năng lượng, thiết bị điện... Nhưng theo ông Đức, tiến trình đàm phán các hợp đồng này vẫn còn nhiều điểm chưa thuận lợi.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Vina T&T Group nói họ mong muốn nhà điều hành sẽ đàm phán với phía Mỹ để "hai bên hiểu nhau và có mức thuế phù hợp hơn".
Dù đối diện với nhiều thách thức, một số doanh nghiệp vẫn lạc quan "trong nguy có cơ". Ông Lê Tùng, Giám đốc chiến lược Sunhouse, cho rằng đây cũng là động lực để doanh nghiệp thực hiện chiến lược "đa dạng hóa thị trường", giảm phụ thuộc vào một nhà mua duy nhất và mở rộng sang nhiều khu vực khác nhau.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nhận định nếu hàng Việt bị áp thuế cao, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả mức giá đắt đỏ hơn, dẫn đến khả năng giảm cầu.
"Nhà phân phối của chúng tôi tại Mỹ hy vọng đây chỉ là 'đòn ngoại giao' của ông Trump", ông Kỳ nói, khuyến nghị doanh nghiệp cần xem xét lại cơ cấu thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.
Trong bối cảnh thị trường bên ngoài biến động, khó khăn, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan này sẽ có các giải pháp kích hoạt thị trường trong nước. Chẳng hạn, họ phối hợp với Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp để đưa ra chương trình kết nối cung cấp, thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa.
Nhà điều hành cũng tập trung gỡ vướng các quy định trong phát triển thị trường cho doanh nghiệp, địa phương. Ngoài ra, cơ quan này cùng thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nghiên cứu kinh nghiệm chính sách kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan...
Phương Dung - Thi Hà - Thủy Trương