Đợt Covid-19 mới bùng phát trở lại khiến các sự kiện liên tục bị huỷ vì nhiều nơi cấm tụ tập đông người hoặc giãn cách xã hội. Điều này làm cho Minh - nhân viên lâu năm của một doanh nghiệp chuyên tổ chức sự kiện ở TP HCM cảm thấy hụt hẫng khi phải đối mặt với chuỗi ngày nghỉ dài không lương, thu nhập giảm hơn một nửa.
Không chỉ Minh, nhiều nhân viên tại công ty anh cũng rơi vào tình cảnh tương tự, không đủ tiền trang trải cuộc sống nên đành chuyển công việc khác. Bản thân Minh cũng quyết định lập các dự án kinh doanh trái cây, bán theo thời vụ để vừa có thêm chi phí lại có cơ hội thử sức với các dự án mới trong lúc chờ quay lại công việc cũ.
Thừa nhận việc kinh doanh bị giảm sút nghiêm trọng, hầu hết công ty tổ chức sự kiện tại TP HCM và Hà Nội cho biết, các hợp đồng bị khách hủy tới 50%, thậm chí 80%. Với những công ty đơn thuần tổ chức sự kiện, dường như họ phải đóng cửa vì không có khách hàng để có thể cầm cự qua mùa dịch.
Chưa hết "sốc" trong đợt dịch đầu, chị Linh, giám đốc một công ty tổ chức sự kiện tại quận 2 (TP HCM) cho biết, dòng tiền công ty chị nhanh chóng cạn kiệt khi đợt dịch mới xuất hiện.
Theo chị Linh, thời điểm này năm ngoái, công ty có gần 20 sự kiện trong tháng, nay đã gần cuối tháng 8 mới tổ chức được một sự kiện khoảng 30 người. Chung cảnh ngộ khi mảng sự kiện tại Công ty Trang - một doanh nghiệp ở Hà Nội gần như phải khép lại vì hợp đồng giảm tới 90%, còn mảng truyền thông sụt 60% chủ yếu ở nhóm khách hàng bất động sản, du lịch.
Để cầm cự qua đợt dịch mới này, các công ty buộc phải thực hiện phương thức truyền thống là giảm nhân sự, lương,.. Theo đó, Công ty Trang phải cho nhân sự kỹ thuật sự kiện nghỉ, giảm tối đa các chi phí cố định như lương, hoạt động du lịch nghỉ mát, liên hoan. Công ty cũng chọn văn phòng thuê nhỏ hơn để thay thế văn phòng cũ nhằm tiết giảm chi phí mặt bằng.
Tương tự, Công ty của chị Linh vì số lượng đặt hàng trong tháng 9 giảm mạnh nên chị cũng ngưng hợp đồng với cộng tác viên và chỉ giữ lại nhân sự chủ chốt. Ngoài ra, chị đề nghị nhân viên có thể làm thêm các công việc tạm thời khác để có thu nhập trong thời gian "đầu việc" tại công ty giảm hơn 70%.
Một số doanh nghiệp khác nghĩ cách làm thêm mảng "tay trái" để tạo dòng tiền tạm thời. Ông Lưu Huỳnh, quản lý doanh nghiệp tổ chức sự kiện lớn tại TP HCM cho biết, doanh nghiệp ông đã chọn cách đẩy mạnh mảng booking, quay TVC cho người nổi tiếng.
Trong khi Công ty truyền thông & sự kiện Backstage được Giám đốc Phạm Xuân Quý cho biết, để cầm cự trong giai đoạn này, công ty đẩy mạnh đào tạo tổ chức sự kiện, duy trì trang thông tin điện tử ngành để bù đắp cho sự sụt giảm hợp đồng...Còn Công ty Trang chuyển sang kinh doanh thêm mảng bán, lắp đặt thiết bị âm thanh ánh sáng cao cấp cho quán cafe, nhà dân....
Ngoài việc cắt giảm nhân sự, thêm mảng "tay trái", một số doanh nghiệp quyết định thay đổi quy trình làm sự kiện cho khách để thích ứng với điều kiện mới của dịch bệnh. Quỳnh Anh, quản lý mảng sự kiện của Bread n' Tea cho biết, thay vì tổ chức offline, công ty cô chuyển sang online. Nhờ vậy, các hợp đồng của doanh nghiệp này không bị hủy ngang đột ngột. "Dù đây không phải xu hướng mới nhưng nó là cách phù hợp với lúc dịch bệnh bùng phát", Quỳnh Anh nói.
Theo Quỳnh Anh, các sự kiện trực tuyến do công ty tổ chức được nhiều khách hàng ủng hộ nhờ ứng dụng tốt công nghệ và KOL (dùng người có ảnh hưởng để tiếp thị thương hiệu).
Công ty cũng chọn chiến lược truyền thông cụ thể và đa dạng hóa cho khách hàng lựa chọn như thực hiện bằng hình thức livestream trên các trang mạng xã hội hoặc kết hợp các yếu tố công nghệ như game tương tác, người nổi tiếng... để thông tin truyền đi hiệu quả hơn.
"Nhờ chuyển hướng này mà công ty không phải giảm nhân sự, thậm chí còn tuyển thêm cộng tác viên hoặc người làm theo giờ để tiến độ công việc được đẩy nhanh, chi phí lại thấp", cô nói.
Và đây cũng là cách đang được Công ty truyền thông & sự kiện Backstage áp dụng trong thời gian qua khá hiệu quả.
Nhiều hướng hoạt động mới được đưa ra nhưng đó chỉ là cách để các doanh nghiệp tổ chức sự kiện cầm cự qua chuỗi ngày khó khăn vì dịch bệnh, còn doanh thu năm nay được phần lớn họ cho rằng sẽ giảm 50-70% so với năm ngoái.
Các doanh nghiệp trong ngành này cũng nhìn nhận, nếu dịch bệnh kéo dài hết năm nay hay sang 2021, nhóm ngành của họ sẽ phục hồi sau cùng nên muốn "sống sót", ngay từ bây giờ họ phải tìm những hướng đi mới hơn để thử nghiệm. Trong một kịch bản khác, nếu tình hình quá xấu, họ có thể phải chuyển đổi dần sang hẳn những lĩnh vực mới phù hợp với chu kỳ kinh tế sau đại dịch.
Hồng Châu - Phương Ánh