Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng về chống gian lận xuất xứ chiều 15/11, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành rà soát lại quy định pháp lý để Việt Nam không thành điểm trung chuyển hàng hoá gian lận thương mại.
Hiện có 2 hình thức gian lận, một là thông qua xuất xứ ưu đãi C/O do Bộ Công Thương cấp để hưởng ưu đãi thuế quan; hai là gian lận xuất xứ không ưu đãi qua C/O do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam cấp để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, lừa dối người tiêu dùng. Trong thương chiến Mỹ - Trung, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến như xơ sợi tăng 92%, điện và thiết bị điện 172%, 37 mặt hàng tăng trên 30%.
Ông Mai Tiến Dũng cho rằng, sẽ không có việc kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O, nhưng với các mặt hàng nguy cơ thì cần có giải pháp để tránh doanh nghiệp trục lợi. "Các cơ quan cấp C/O phải xác định rõ trách nhiệm, chứ không thể nói là đã làm đúng cả. Chúng ta xác định tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng có cơ chế kiểm soát để không để xảy ra khả năng lợi dụng để gian lận xuất xứ", Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Nêu ý kiến sau đó, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, tỷ lệ C/O bị hải quan các nước yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số giấy chứng nhận ưu đãi được cấp rất nhỏ. Song, có tình trạng doanh nghiệp làm giả C/O để gian lận xuất xứ, thậm chí thương nhân nước ngoài làm giả xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên các thành viên Tổ công tác cho rằng, tỷ trọng nhập khẩu một số mặt hàng từ Trung Quốc tăng đột biến, rồi xuất sang Mỹ là "không bình thường".
Ông Hoàng Việt Cường (Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện tượng gian lận xuất xứ hiện nổi lên chủ yếu với hàng nhập từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ, EU - hai thị trường nhiều khả năng bị nước nhập khẩu áp thuế nếu hàng hoá Việt Nam không "chuẩn hoá" việc ghi nhãn mác. Ông đề nghị, tổng rà soát lại văn bản liên quan, các quy chế... để có cơ sở pháp lý chặt chẽ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp nói, cần đánh giá lại trách nhiệm rõ hơn về kiểm tra xuất xứ hàng hoá. "Ở đây không loại trừ năng lực nhận thức của doanh nghiệp rồi vấn đề trong quản lý Nhà nước khiến doanh nghiệp trục lợi", ông Ngọc nói.
Đồng tình với các vấn đề trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra nguyên nhân khiến tình trạng gian lận xuất xứ gia tăng là hành lang pháp lý chưa theo kịp thực tiễn.
"Quy định pháp luật về xuất xứ không cụ thể, nhất là với hàng trong nước, chưa bao quát được chế tài xử phạt và chưa đủ sức răn đe. Đáng lo ngại là tình trạng thiếu trách nhiệm của cơ quan cơ sở, nên nếu không cân nhắc kỹ, buông lỏng trong quản lý thì tạo khoảng trống pháp lý và kẽ hở trong gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải không hợp pháp", ông Dũng nói.
Vì thế, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ đề nghị, các Bộ, ngành nghiêm túc xem xét lại, sớm trình những điểm bất hợp lý, báo cáo Chính phủ để ứng xử kịp thời. Ông cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Thông tư quy định thế nào là hàng "made in Vietnam" bởi đây là một trong những quy định pháp lý quan trọng ngăn ngừa gian lận thương mại, xuất xứ hàng hoá.
Anh Minh