Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 17/6 có văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 38 của Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/7.
Theo đó, người sử dụng lao động rà soát tất cả thỏa thuận trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định để điều chỉnh tiền lương cho phù hợp. Doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm chế độ tiền lương khi lao động làm thêm giờ, làm việc ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và phúc lợi khác theo quy định của luật lao động.
Với những thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38 thì tiếp tục thực hiện, trong đó có chế độ tiền lương trả cho lao động làm công việc hoặc chức danh đã qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lý giải với những doanh nghiệp mà hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể đã thể hiện rõ đang trả cho lao động đã qua đào tạo cao hơn 7% so với lương tối thiểu vùng thì tiếp tục thực hiện.
Nguyên tắc là mỗi lần điều chỉnh hay có thay đổi về tiền lương, người sử dụng lao động đều phải thông báo rõ cho người lao động biết, đồng thời thể hiện lại trong hợp đồng, thỏa ước hoặc nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Song trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp ban hành quyết định hoặc thông báo tới người lao động song không thể hiện lại trong hợp đồng.
Theo ông Hưng, việc này là chưa tuân thủ pháp luật lao động về tiền lương và vì thế phải điều chỉnh, bổ sung ngay cho đúng. Sau này, các cơ quan có thể xử lý doanh nghiệp làm chưa đúng qua thanh kiểm tra, song ông cũng thừa nhận sẽ "không xuể" khi cả nước có gần một triệu doanh nghiệp đang hoạt động.
Với những trường hợp này, việc thỏa thuận tăng lương để đảm bảo quyền lợi cho lao động phụ thuộc rất lớn vào năng lực đàm phán của công đoàn cơ sở cùng sự tham gia của người lao động vào các cuộc đối thoại, thương lượng tập thể vì quyền lợi của chính mình.
"Tinh thần chung là hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể phải tiếp tục thực hiện những điều có lợi cho người lao động", ông Hưng nói, nhấn mạnh rằng văn bản cũng hướng dẫn công đoàn các cấp tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác nhằm đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định pháp luật. Nếu có vướng mắc phát sinh, các nơi tổng hợp, báo về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, kịp thời xử lý.
Nghị định 38 ban hành năm ngày trước, quy định mức lương tối thiểu chính thức điều chỉnh thêm 6% từ ngày 1/7, tương ứng 180.000-260.000 đồng so với hiện hành. Lương tối thiểu lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng. Trên cơ sở này, lương tối thiểu giờ tương ứng áp dụng lần lượt vùng I là 22.500 đồng; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.
Song Nghị định mới không còn bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng cho lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề nói chung; người tốt nghiệp đại học, cao đẳng nói riêng; chỉ bắt buộc người sử dụng lao động trả lương không thấp hơn lương tối thiểu tháng nêu trên. Trong khi đó, các nghị định tăng lương trước đây đều có điều khoản này.
Việc bỏ đi quy định trên khiến công đoàn cơ sở nhiều nhà máy lo ngại người lao động sẽ không được tăng lương từ ngày 1/7, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp đang trả lương cao hơn mức tổi thiểu sắp sửa áp dụng vào tháng tới. Bỏ quy định trên khiến công đoàn cơ sở không còn hành lang pháp lý để đàm phán tăng lương với giới chủ, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải cắt giảm chi phí khi xăng dầu tăng, giá nguyên vật liệu cũng tăng theo.
Theo luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP HCM), Nghị định 38 có quy định nếu hai bên có thỏa ước hoặc hợp đồng lao động mà quyền lợi tốt hơn trong Nghị định thì tiếp tục áp dụng, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Như vậy, trường hợp thỏa ước hoặc hợp đồng không có điều khoản "cao hơn ít nhất 7%" này thì công đoàn sẽ khó khăn trong việc đàm phán tăng lương cho người lao động. Trường hợp công đoàn đàm phán thành công mà phía chủ doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận trả lương bằng với lương tối thiểu vùng thì cũng không trái Nghị định 38.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có mức lương phù hợp với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề để khuyến khích họ nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu suất lao động", ông nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng dù Nghị định 38 bỏ nội dung trên, song Quyết định 595 năm 2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định "tiền lương đóng BHXH bắt buộc của người lao động đã qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng" và văn bản này vẫn đang còn hiệu lực nên có thể áp dụng trong đàm phán tăng lương. Song theo ông Hữu, Quyết định 595 không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là hướng dẫn quy trình thu BHXH. Nghị định 38 của Chính phủ mới là văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung. Các nội dung tại Quyết định 595 nếu trái với Nghị định 38 thì sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/7.
Khi dự thảo nghị định đưa ra lấy ý kiến từ 20/5 đến 5/6, có bên cho rằng cần tiếp tục giữ quy định mức lương thấp nhất trả cho người lao động qua đào tạo nghề phải cao hơn 7% so với lương tối thiểu" như trước đây, tránh ảnh hưởng quyền lợi lao động. Song Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải luật lao động năm 2012 quy định Chính phủ ban hành nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp.
Nghị định 49 ban hành năm 2013 quy định một số nội dung bắt buộc khi nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương, trong đó có quy định trên. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận thấy quy định này chỉ phù hợp với giai đoạn trước, khi năng lực thương lượng của người lao động còn hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, quy định này được đánh giá là "can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp" và không còn phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Bộ luật Lao động năm 2019 không còn quy định Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang bảng lương, mà để hai bên tự thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Vì thế, Chính phủ chỉ còn quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp để bảo vệ lao động làm công việc giản đơn. Với các mức lương khác cao hơn, như lao động đã qua đào tạo nghề thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận với nhau
Hồng Chiêu