Nội dung được bà Lưu Thủy, Giám đốc Bộ phận Sale của Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam, nêu tại hội nghị về xây dựng cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động giữa TP HCM và các tỉnh lân cận, ngày 24/11.
Bảo hiểm AIA Việt Nam là đối tác của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM. Khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sẽ nhận được danh sách lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp với trình độ, kỹ năng phù hợp. Các vị trí cần tuyển đều là nhân viên chính thức, lương, phụ cấp lên đến 15-20 triệu đồng.
"Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ để phỏng vấn thì hầu hết lao động từ chối thẳng, thậm chí nhiều người còn nói nhiều lời rất khó nghe", bà Thủy nói. Nguyên nhân là do lao động muốn nhận hết khoản trợ cấp thất nghiệp, cùng lúc đi làm thời vụ và đảm bảo thu nhập.
Theo quy định, lao động sẽ được trợ cấp với tỷ lệ 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Thời gian hưởng 3-12 tháng, tùy thời gian tham gia. Việc hưởng này sẽ bị dừng khi lao động có việc, hiện được xác định chủ yếu bằng cách lao động phát sinh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Không chỉ lao động trình độ, nhóm lao động phổ thông cũng từ chối cơ hội công việc khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Long An, nói khi Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở TP HCM cắt giảm lao động, có đến 40% công nhân là người địa phương. Nhận danh sách từ Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, tỉnh chủ động đến các công ty trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng công nhân để giới thiệu cho lao động.
"Tuy nhiên, hầu như công nhân không nhận việc", ông Bảo nói. Nguyên nhân là công nhân bị cắt giảm làm việc lâu năm, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp đến 12 tháng. Do đó, họ muốn hưởng hết trợ cấp rồi mới tính tiếp.
Không chỉ những công nhân ở Long An, khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM hồi tháng 2, Pouyuen giảm hơn 2.300 lao động, thành phố tìm được 3.200 việc làm giới thiệu nhưng chỉ 46 lao động có nhu cầu tìm việc, chiếm 2% tổng số công nhân bị cắt giảm.
Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, nêu doanh nghiệp khó tuyển người còn do chênh lệch trình độ. Hiện, lao động mất việc hiện chủ yếu tập trung vào các ngành gia công, lao động phổ thông như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến gỗ. Trong khi ở những ngành mới nổi, nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm lao động có trình độ, chuyên môn.
"Một số doanh nghiệp sản xuất muốn tuyển lao động trẻ mà phần lớn công nhân mất việc đã quá tuổi 35", bà Trang nói.
Theo số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm Quốc gia, quý 2 vừa qua, trong hơn 357.500 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, gần 70% lao động không có trình độ chuyên môn, trình độ đại học và trên đại học chiếm 13%. Về độ tuổi, gần 23% lao động trên 40 tuổi và tỷ lệ này ở nhóm 25-40 tuổi chiếm hơn 64%.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, nói rằng qua ghi nhận hồ sơ, thông tin tìm kiếm việc làm của người lao động, đơn vị cũng đã nhìn thấy được thực trạng người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không có nhu cầu tìm việc. Nhiều người chủ động nghỉ việc và xem đây là thời gian nghỉ xả hơi.
Theo quy định, người lao động có thể bị chấm dứt hưởng trợ cấp sau hai lần từ chối công việc do trung tâm dịch vụ việc giới thiệu mà không có lý do chính đáng. "Tuy nhiên, hầu hết lao động đều nêu lý do chính đáng như cần thời gian chăm sóc gia đình", bà Thục nói.
Theo bà Thục, lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp không muốn nhận việc là vấn đề chung của nhiều địa phương. Mới đây, tại hội thảo liên quan, đại diện các tỉnh đề xuất khi sửa đổi Luật Việc làm, các điều khoản về người thất nghiệp được hưởng trợ cấp cần được điều chỉnh để những người thực sự mất việc được nhận. Chính sách phải thúc đẩy lao động sớm quay lại thị trường lao động.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cung ứng nhân lực Nhân Kiệt, đề xuất các trung tâm cần có ứng dụng (app) để kết nối cung - cầu lao động. Người thất nghiệp có thể khai báo tình trạng việc làm qua app. Theo kinh nghiệm, những người thường xuyên truy cập vào mục việc tìm người, tức có nhu cầu, còn ngược lại thì đã có việc. Trung tâm có thể căn cứ vào đó để đưa ra phương án phù hợp với lao động.
Lê Tuyết