Chính sách trên áp dụng cho doanh nghiệp cắt giảm lao động từ tháng 2/2023 kể cả người ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 19/9 cho biết.
Cơ quan này giao liên đoàn lao động các tỉnh thành, công đoàn ngành xem xét, xác định cho doanh nghiệp thuộc nhóm này hưởng chính sách, báo cáo về trước ngày 31/1/2024.
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sáu tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới lẫn quay trở lại giảm, số ngừng hoạt động tăng lên so với cùng kỳ. Hơn 500.000 lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm. Người mất việc vẫn tập trung ở phía Nam như TP HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Hậu Giang. 75% trong số đó thuộc doanh nghiệp FDI; khoảng 8% là lao động nữ trên 35 tuổi, 5% đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Công đoàn dự báo tình trạng thiếu, mất việc làm tiếp tục diễn ra cục bộ ở ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ. Doanh nghiệp sản xuất cho nhãn hàng thị trường Mỹ, châu Âu tiếp tục có kế hoạch giảm lao động, trong đó nhiều người có thâm niên, lớn tuổi.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, lao động vượt khó khăn, hồi tháng 7, Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu giảm phí công đoàn từ 2% xuống 1%, giãn thời gian nộp trong năm 2023. Giữa tháng 6, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) kiến nghị cho phép không nộp kinh phí công đoàn lên cấp trên đến hết năm 2024 mà giữ lại cơ sở để hỗ trợ lao động.
Theo Luật Công đoàn 2012, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Đây là nguồn thu chủ yếu cho các cấp công đoàn hoạt động thông qua chi trả lương, phụ cấp, quản lý hành chính và chi chăm lo cho người lao động.
Ngoài ra, kinh phí công đoàn còn chi gián tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho lao động; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; khen thưởng, động viên con em lao động; hỗ trợ đoàn viên công đoàn khi ốm đau.
Hồng Chiêu