Thiếu mía nhiều doanh nghiệp lao đao |
Theo ông Tam, năm nay, do hạn hán kéo dài, sản lượng mía tại khu vực phía Nam đã giảm khoảng 20-30% so với cùng thời vụ năm ngoái. Tính từ đầu năm lượng đường cung ra thị trường khoảng dưới 1 triệu tấn (năm ngoái gần 1,5 triệu tấn).
"Hiện đã có 2/3 số nhà máy đường tại khu vực miền Đông phải ngừng sản xuất sớm hai tháng vì hết mía", ông Tam nói. Có nhà máy đã phải kết thúc vụ sản xuất từ cuối tháng 2, trong khi các vụ trước là tháng 4 hoặc đầu tháng 6.
Như vậy, theo ước tính của hiệp hội, sản lượng mía ở khu vực miền Đông hiện đã sụt giảm 15%, thậm chí đến 20%. Tại Tây Ninh, sản lượng mía từ 1,5 triệu tấn giảm chỉ còn 1,2 triệu tấn. Trước đó, Công ty Đường Tây Ninh dự kiến trong năm nay khoảng 14.500 tấn đường nhưng với tình hình này thì chỉ còn 11.500 tấn.
Theo các nhà máy đường, hầu hết chi phí sản xuất mía và chế biến đường đều tăng. Trong đó giá mía tăng 25% (chi phí mía chiếm khoảng 60% giá thành đường), giá nhân công đốn chặt tăng 20-33%, phân bón có loại tăng đến 50%, lương công nhân tăng, chi phí vận chuyển tăng mạnh do xăng tăng (phải vận chuyển tối thiểu 10 tấn mía mới sản xuất được 1 tấn đường). Do vậy giá đường phải tăng ít nhất 20% mới hợp lý. Giá bán đường từ các đại lý tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với đầu vụ, mở đầu cho đợt tăng giá đường có thể kéo dài đến tháng 11/2004. |
"Trước việc thiếu nguyên liệu, nhiều cuộc tranh giành mía là không tránh khỏi", ông Tam thừa nhận. Điều này chẳng những không giúp các nhà máy kéo dài thời gian sản xuất mà còn góp phần đẩy giá mía tăng cao.
"Chúng tôi rất buồn trước sự cố giữa Công ty cổ phần đường Bình Định và Nhà máy đường An Khê (Gia Lai)", ông Tam nói. Thiếu nguyên liệu Nhà máy đường An Khê đã đến vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Bình Định tranh mua mía với giá 250.000 đồng/tấn (cao hơn giá sàn mà Công ty cổ phần Bình Dương ký hợp đồng với người dân là 50.000 đồng/tấn). Dự kiến, mỗi ngày nhà máy đường An Khê thu mua ở đây khoảng 500 tấn mía.
Không chịu thua, Công ty cổ phần Bình Định cũng đành phải nâng giá sàn từ 200.000 đồng/tấn lên mức 220.000 đồng/tấn. Đồng thời doanh nghiệp này cũng kịp thời gửi đơn đến các cơ quan chức năng trong đó có Hiệp hội nhờ giải quyết.
Ông Tam cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc trên Hiệp hội cùng với cơ quan chức năng hai tỉnh kiểm tra vụ việc. Đến nay, sự cố trên đã được dàn xếp ổn thỏa nhưng Nhà máy Anh Khê chắc chắn sẽ bị cảnh cáo.
"Giá mía đường, sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh để đối phó với tình hình này", ông Tam nói. Sự cố thiếu nguyên liệu mía chỉ xảy ra đối với các khu vực miền Nam và miền Trung, còn khu vực miền Bắc, các nhà máy đường vẫn hoạt động bình thường.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng thị trường (Tổng Công ty mía đường VN), cho biết, ngày từ đầu vụ, công ty đã tập trung thu gom mía ở các khu vực như Thanh Hoá, Sơn La, Yên Bái... nên vẫn đảm bảo được sản xuất từ nay cho đến hết tháng 6.
"Hiện hầu hết các nhà máy đường khu vực phía Bắc vẫn đủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường, do vậy, giá mía tại khu vực phía Bắc có khả năng sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới", ông Thịnh dự tính.
Minh Khuyên