Năm 2003, sau 15 năm từ khi mở cửa đón dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, Chính phủ có nghị định cho phép doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trong vòng 5 năm đầu chính sách này có hiệu lực, 10 doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi để lên sàn. Đến năm 2017 mới có thêm một doanh nghiệp là Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam (SBV) lên sàn chứng khoán.
Đến nay, chỉ còn 8 doanh nghiệp FDI đang niêm yết trên sàn chính thức. 3 doanh nghiệp đã huỷ hiêm yết gồm Công ty cổ phần Gạch men Chang Yih (CYC), Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế (IFS) và Công ty cổ phần Full Power (FPC) do thua lỗ. Trong đó, CYC và IFS chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM.
Báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, giai đoạn 2016-2020, có 7 trong số 10 doanh nghiệp còn lưu lại trên sàn chứng khoán này báo lãi thường xuyên qua các năm.
Trong đó, IFS sau giai đoạn thua lỗ thì hoạt động khởi sắc dần, trở thành doanh nghiệp FDI trên sàn chứng khoán có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bền vững nhất. Cụ thể, năm 2016, IFS lãi 43 tỷ đồng thì đến năm ngoái lãi 155 tỷ đồng.
Vốn hoá của doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch chỉ chiếm 0,3% vốn hoá toàn thị trường. Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (SBT) có vốn hoá lớn nhất trong danh sách này, hiện trên 17.230 tỷ đồng và có giai đoạn nằm trong rổ 30 mã vốn hoá lớn nhất sàn TP HCM.
Tình trạng thoái vốn của cổ đông sáng lập và nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp FDI đang niêm yết, đăng ký giao dịch chưa xuất hiện. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài của 8 trong số 10 doanh nghiệp thuộc nhóm này có xu hướng tăng sau khi lên sàn.
Phương Đông