Tại buổi toạ đàm lấy ý kiến của các nhà đầu tư đóng góp dự thảo Nghị định diễn ra ở TP HCM ngày 24/3, bà Nguyễn Thị Phương Thùy, luật sư nội bộ của Công ty VinaCapital, cho biết, dự thảo quy định việc đăng ký lại sẽ áp dụng đối với công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài phải chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên. Điều này đi ngược lại với Luật doanh nghiệp, vì Luật doanh nghiệp đã đưa ra rất nhiều loại hình công ty để doanh nghiệp có quyền lựa chọn trước khi có ý định đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài không đồng ý với việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà nội dung dụ thảo Nghị định đưa ra. Ảnh: T.V. |
Theo bà Thùy, việc đăng ký lại sẽ gây ra nhiều vướng mắc. Đơn cử như tỷ lệ góp vốn. Dự thảo quy định những doanh nghiệp hoạt động ở các ngành nghề có điều kiện khi chuyển đổi công ty tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng được điều chỉnh. Trong khi đó, theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, những người thành lập mới nếu hoạt động trong ngành nghề có điều kiện không được phép hình thành công ty 100% vốn của cổ đông nước ngoài. "Như vậy, khi đăng ký lại, các công ty đang hoạt trong lĩnh vực này sẽ đi theo hướng nào", bà Thùy cho biết thêm.
Đại diện một doanh nghiệp cũng cho rằng, dự thảo không nên bắt buộc doanh nghiệp phải đăng ký lại mà cần có quyền lựa chọn. Nếu doanh nghiệp thỏa thuận được việc góp vốn điều lệ thì mới đăng ký lại. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ dẫn đến tranh chấp giữa các nhà đầu tư, do không tìm được tiếng nói chung. "Mặt khác, theo dự thảo, sau đăng ký lại phải chuyển đổi kế thừa các quyền, lợi ích, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động... là không phù hợp với thực tế, vì khi một doanh nghiệp đi khai sinh lại thực chất bên trong vẫn là họ", ông nói.
Luật sư điều hành của Công ty luật Baker & McKenzie - ông Frederck Burke - lý giải, nếu dự thảo quy định việc chuyển đổi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài từ liên doanh thành công ty TNHH thì phải đơn giản hóa thủ tục đăng ký lại. Như vậy, việc chuyển đổi mới giảm thiểu được thiệt hại và thời gian cho nhà đầu tư. "Thời gian từ nay đến tháng 7 không còn nhiều. Một số nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định đầu tư vào VN đã do dự về vấn đề đăng ký lại. Nếu nhà đầu tư thành lập công ty trong thời gian này thì đến tháng 7 tới phải đăng ký lại giấy phép sẽ rất hao tốn thời gian", luật sư Frederck nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo quan điểm chung của ban soạn thảo, đăng ký lại là một việc làm mang tính tất yếu nên thủ tục phải được đơn giản. Đăng ký lại ở đây không phải là khai sinh doanh nghiệp mới mà thực chất là công ty cũ. Do vậy, nhà đầu tư sẽ không bị mất quyền lợi mà chỉ đáp ứng được các yêu cầu đăng ký.
Nguyễn Thùy