Tại buổi đối thoại giữa chính quyền TP HCM và các doanh nghiệp trên địa bàn ngày 26/6 do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với 5 sở, ngành tổ chức, nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc trong việc đăng ký xin cấp phép đầu tư và nhờ chính quyền gỡ khó.
Ông Đỗ Kim Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TP HCM cho biết, ngành quảng cáo hiện thu hút nhiều công ty nước ngoài đến đầu tư, xin thành lập công ty liên doanh quảng cáo - truyền thông. Tuy nhiên do vấn đề thủ tục quá phiền hà và mất thời gian đã khiến nhiều đơn vị từ bỏ ý định. "Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, đích thân tôi làm hồ sơ đăng ký kinh doanh nhưng cũng phải chờ đợi rất lâu vì Sở Kế hoạch Đầu tư nói phải chờ công văn trả lời từ các Bộ, ngành ở trung ương", ông Dũng bức xúc.
Theo ông Dũng, trung bình thời gian chờ đợi để có được giấy phép kinh doanh cho dự án mất từ 6 đến 18 tháng, phải đi lại gõ cửa nhiều nơi mới có được giấy phép. Do phải chờ đợi quá lâu, nhiều công ty phải chi 10.000 - 20.000 USD để thuê các công ty tư vấn luật lo thủ tục.
"Liên doanh quảng cáo với số vốn đăng ký chỉ khoảng 100.000 đô la Mỹ, nhưng phải chi từ 10.000 đến 20.000 USD để lo thủ tục. Người ta đã đổ tiền vào nước mình làm ăn, tại sao lại bị làm khó như vậy? Trong khi theo quy định, sau 2 tuần đã phải có văn bản trả lời hồ sơ có được chấp nhận hay không", ông Dũng đặt câu hỏi và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phải có giải pháp để rút ngắn thời gian xin cấp giấy phép kinh doanh cho công ty nước ngoài.
Trả lời thắc mắc của vị đại diện Hiệp hội quảng cáo thành phố, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đây cũng là vấn đề bức xúc của Sở vì nhiều hồ sơ đăng ký đầu tư bị vướng do phải chờ ý kiến của các Bộ, ngành. "Các Bộ, ngành trung ương thường trả lời rất chậm, nhiều trường hợp lại trả lời không rõ ràng, không kết luận là được hay không được khiến cơ quan quản lý ở địa phương cũng rất khó xử", ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, với trách nhiệm của mình, Sở cũng đã báo cáo với UBND TP để có hướng giải quyết. Bản thân lãnh đạo sở khi tham dự các cuộc họp cũng đã tranh thủ tác động đối với các Bộ ngành về các dự án bị ngâm quá lâu và hiện tại cũng chưa có cách nào hữu hiệu hơn để rút ngắn thời gian xin cấp phép đầu tư.
Cũng gặp khó khăn trong thủ tục hành chính, đại diện công ty Luật hợp danh Nhựt Quang cũng cho rằng chỉ vì thủ tục hành chính phức tạp đã làm mất cơ hội kinh doanh của nhiều nhà đầu tư. Vị này dẫn chứng, một số quỹ đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có ý định mua cổ phần ở các công ty trong nước tại TP HCM. Nhưng khi làm thủ tục, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải giải thể các chi nhánh trước nếu muốn bán cổ phần (chuyển nhượng vốn) cho nhà đầu tư nước ngoài.
"Yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư là không có cơ sở pháp lý. Người ta thấy công ty Việt Nam làm ăn có lãi, nếu buộc giải thể hết các chi nhánh thì họ không còn ý định mua nữa", vị đại diện công ty Luật bức xúc.
Trong khi đó, bà Lê Thị Kim Linh, đại diện Công ty TNHH MTV phát triển Khu công nghiệp Sài Gòn cho biết, dự án nhà ở rộng 14 ha của công ty ở quận 2 bị đình trệ nhiều năm nay do không được cấp phép đào 200 m đường để thi công đường ống dẫn nước vào khu nhà ở. "Công ty cũng đã nhiều lần gửi văn bản đến chủ đầu tư và các cơ quan khác nhưng không được giải quyết. Cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc cấp phép đào đường cho những dự án riêng lẻ?", bà Linh thắc mắc.
Về vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở Giao thông là đơn vị duy nhất có quyền cấp phép đào đường. Ở quận 2, sẽ do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở) cấp phép. Cũng theo đại diện ngành giao thông, trước khi xây dựng tuyến đường hoặc duy tu, sở đã gửi thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp để cùng phối hợp làm đồng bộ để tránh tình trạng đào đường nhiều lần. "Doanh nghiệp nên liên hệ với Sở GTVT để có được thông tin khi có đợt duy tu tuyến đường sẽ cùng phối hợp để làm một lần", vị đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết.
Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi liên quan đến việc đầu tư, phát triển hệ thống xe buýt tại TP HCM cũng được các doanh nghiệp đặt ra, tuy nhiên các doanh nghiệp cho rằng trả lời của Sở Giao thông Vận tải TP HCM là chưa thỏa mãn và chưa thật sự là "đối thoại".
Trung Sơn