Đây là một trong những nội dung sẽ sửa đổi của thông tư 09 về quyền thương mại doanh nghiệp FDI.
Theo Phó Vụ trưởng thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương Vũ Văn Quyền, thông tư 09 sẽ được sửa đổi theo hướng tháo gỡ những hạn chế về quyền thương mại của FDI. Một doanh nghiệp FDI sẽ được phép có nhiều nhà phân phối nội địa, tuy nhiên, họ phải đăng ký kinh doanh mua bán hay có quyền phân phối nhóm hàng.
Sửa đổi này là một bước tiến đáng kể so với quy định doanh nghiệp FDI chỉ được phép có một nhà phân phối, áp dụng từ quý 3 năm 2007. "Dự kiến khi sửa đổi 09, doanh nghiệp sẽ không được chỉ định giá bán, quy định đối tác hoặc ra điều kiện cho nhà phân phối", ông Quyền nhấn mạnh tại đối thoại giữa Bộ Công thương với các doanh nghiệp FDI thuộc Phòng Thương mại Việt - Mỹ tại TP HCM hôm 18/3.
Ông Quyền cho biết, hai tuần trước các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Công thương đã có họp bàn sửa đổi về quyền thương mại của doanh nghiệp FDI. Hiện Bộ Công thương đang tập hợp lấy ý kiến của doanh nghiệp để trình Chính phủ phê duyệt.
Theo lộ trình WTO, từ 1/1/2009, các doanh nghiệp FDI phải được hưởng mọi quyền lợi như doanh nghiệp trong nước, không phân biệt đối xử.
Công ty nước ngoài nhập khẩu hàng hóa phải bán qua ít nhất một nhà phân phối trong nước. Ảnh: T.A. |
Doanh nghiệp FDI vẫn cho rằng họ chưa được hưởng quyền nhập khẩu trọn vẹn theo cam kết WTO và đề nghị "mở" hơn nữa.
Ông Trịnh Kim Ngọc, Giám đốc đối ngoại P&G VN cho rằng, công ty nhập khẩu luôn phải chịu trách nhiệm cuối cùng đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Mặc dù đã thông qua nhà phân phối nội địa, nhưng nếu sản phẩm có xảy ra sự cố thì công ty phải gánh chịu. Vì vậy, P&G muốn trực tiếp tham gia vào hệ thống phân phối chung.
Theo ông Ngọc, nếu khống chế các doanh nghiệp FDI không được đưa ra những chỉ định về giá bán, đối tác, địa bàn hay ra điều kiện với nhà phân phối, sẽ gây ra những bất cập. Ví dụ, nếu công ty không ràng buộc đối với nhà phân phối, thì khi xảy ra trường hợp sản xuất gặp sự cố, để chậm trễ cung cấp hàng, nhà phân phối sẽ găm hàng, tạo sốt giá, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thị trường.
Trên thực tế, có những doanh nghiệp có nhiều hơn một nhà phân phối. Đại diện của Công ty mỹ phẩm Avon thắc mắc, hiện doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức bán hàng đa cấp. Theo sửa đổi của thông tư 09, AVON tự đứng ra thiết lập hệ thống phân phối cho các cá nhân, tổ chức trong nước. "Vậy các cá nhân tổ chức này có được xem là thương nhân không?", đại diện Avon hỏi.
Giám đốc một công ty ở Bình Dương đề nghị Bộ Công thương nên cân nhắc nhiều vướng mắc về quyền nhập khẩu để sửa đổi một lần. "Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, như hiện nay thông tư 09 hơi nghiêng về quy định cho các mặt hàng tiêu dùng, những loại hàng hóa khác ít được đề cập thì thiếu cơ sở quản lý", đại diện doanh nghiệp này nhận định.
Vi Vi