Khởi động từ tháng 1, Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được kỳ vọng là bàn đạp cho các doanh nghiệp Việt không chỉ hồi phục và bứt phá sau dịch bệnh mà còn là cơ hội để phát triển bản thân, chinh phục và định vị thành công thương hiệu Việt trên thị trường thế giới
Đăng ký nhận hỗ trợ của dự án tại đây
Với tổng vốn tài trợ hơn 36 triệu USD, IPSC là dự án hỗ trợ kỹ thuật lớn nhất từ trước tới nay cho khối tư nhân. Sự khác biệt lớn của ISPC là thiết kế gói hỗ trợ riêng biệt cho doanh nghiệp đang tăng trưởng để trở thành doanh nghiệp dẫn dắt, đồng thời có sự chia sẻ chi phí giữa doanh nghiệp và dự án để cùng nhau hợp tác, từ đó có tác động lan toả, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Hỗ trợ kỹ thuật toàn diện
Dự án IPSC dành cho đối tượng là các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và đang tăng trưởng (doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh dưới 500 nhân viên toàn thời gian) và các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Thông qua các gói hỗ trợ, các đơn vị này sẽ được hỗ trợ về năng lực quản lý quản trị chiến lược, tiếp cận thị trường và nguồn lực tài chính, đổi mới công nghệ, kết nối mạng lưới chuyên gia....
Bên cạnh đó, IPSC cũng sẽ đồng hành cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiêp mục tiêu vào tiến trình xây dựng và thí điểm các chính sách nhằm gỡ bỏ các rào cản, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
Các mục tiêu này được IPSC cụ thể hoá qua từng gói hỗ trợ kỹ thuật phù hợp với nhu cầu từng doanh nghiệp như thích ứng, tăng trưởng, số hoá, vươn ra thế giới... Các nội dung hỗ trợ đa dạng, xây dựng bởi đơn vị tư vấn và chuyên gia đầu ngành.
Thời gian đồng hành 5 năm
Dự án IPSC sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp tham gia trong thời hạn 5 năm (2021-2025). Đây là dự án dài hơi khi hỗ trợ trong thời gian 5 năm thay vì ngắn hạn, ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), một trong các đơn vị cam kết đăng ký tham gia chia sẻ.
Trong thời hạn 5 năm, IPSC đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp để nâng cao năng suất. Trong đó, có 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong tạo ra thương hiệu sản phẩm Made by Viet Nam; 30 tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, 30 chính sách, văn bản pháp luật, quy định liên quan đến các vấn đề của doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trong quá trình ban hành, sửa đổi hoặc thực thi.
Mở rộng mạng lưới đối tác
Phát triển, mở rộng và duy trì mạng lưới đối tác trong khu vực tư nhân là một trong những nội dung quan trọng trong dự án. Xuyên suốt các hoạt động hỗ trợ, doanh nghiệp có cơ hội tham gia các sự kiện kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, hội thảo với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ...., mở ra cơ hội hợp tác, mở rộng mạng lưới.
IPSC cũng đặt mục tiêu kết nối các hiệp hội với mạng lưới 5 nghìn doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, doanh nghiệp tiên phong. Theo đó, các tổ chức, hiệp hội có thể đồng hành cùng dự án đồng thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật cho các hiệp hội, thúc đẩy ứng dụng các công cụ kết nối, tham gia các sự kiện phát triển mạng lưới và tham vấn về chính sách.
Đồng hành cùng chuyên gia
Đi cùng doanh nghiệp xuyên suốt thời gian tham gia dự án là các chuyên gia đầu ngành, đem đến các hỗ trợ về cả đào tạo cơ bản và nâng cao, thực hành, dưới hình thức tư vấn chuyên gia 1-1, các buổi huấn luyện, hội thảo...
Đơn cử, gói hỗ trợ cho các hiệp hội sẽ bao gồm khoá đào tạo 8 tuần với các chuyên gia trong nước và quốc tế với giáo trình đã thử nghiệm ở các quốc gia. Các chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ trong 12 tuần triển khai giải pháp kinh tế số.
Phong Vân