Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) khởi động hôm 18/1. Hơn 300 hiệp hội, doanh nghiệp khu vực tư nhân tham dự thông qua hệ thống kết nối trực tuyến.
Doanh nghiệp đăng ký tham gia tại đây |
Với mục tiêu thúc đẩy thực thi các chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, IPS-C hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ. Dự án sẽ triển khai các gói hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận thị trường...
Phát biểu tại lễ khởi động dự án, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác và khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Theo đó, khu vực tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp 40% vào GDP, 85% lực lượng lao động. Trong đó, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn, đa ngành đã có thương hiệu sản phẩm uy tín, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ với chỉ 4% doanh nghiệp vừa và lớn, 96% là nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vắng lực lượng tiên phong. Đa số khu vực kinh tế tư nhân có trình độ quản lý thấp, tư duy kinh doanh còn manh mún, ngắn hạn.
Đặc biệt, năng lực khoa học công nghệ được coi là hạn chế lớn. Chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp. Đầu tư doanh nghiệp cho khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các nước khu vực.
Ông Hùng nhấn mạnh, dự án khởi động trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế đang đối mặt với dịch bệnh. "Sự khác biệt lớn của ISPC so với các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ trước đến nay là thiết kế gói hỗ trợ riêng biệt cho doanh nghiệp đang tăng trưởng để trở thành doanh nghiệp dẫn dắt, đồng thời có sự chia sẻ chi phí giữa doanh nghiệp và dự án để cùng nhau hợp tác, từ đó có tác động lan toả, tạo nên nhiều doanh nghiệp tiên phong", đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Với tổng vốn tài trợ hơn 36 triệu USD, thực hiện trong thời gian 5 năm (2021-2025), dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, giúp các doanh nghiệp này nâng cao năng suất. Trong đó, có 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lược giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm Made by Viet Nam.
Bên cạnh đó, 30 chính sách, văn bản pháp luật, quy định liên quan đến các vấn đề của doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trong quá trình ban hành, sửa đổi hoặc thực thi.
Hoạt động hỗ trợ của dự án sẽ được thực hiện theo nguyên tắc công - tư phối hợp. Các doanh nghiệp sẽ cam kết cùng đóng góp, chia sẻ nguồn lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ, nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của doanh nghiệp và tính bền vững của các hoạt động.
Đại diện đơn vị viện trợ cho dự án, Giám đốc USAID Việt Nam, bà Ann Marie Yastishock nhấn mạnh, dự án tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân là bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác giữa Bộ Kế hoạch đầu tư và USAID. "Với mục tiêu tăng cường khả năng công nghệ tính kết nối, hỗ trợ kỹ thuật, số hoá thị trường doanh nghiệp, đây là nỗ lực quan trọng của USAID trong hỗ trợ doanh nghiệp trong khu vực, góp phần vào mục tiêu an toàn, tăng trưởng và thịnh vượng", bà Ann Marie chia sẻ.
Đại diện doanh nghiệp tham gia dự án, bà Đặng Thanh Vân CEO Công ty Công nghệ SavvyCom, cho rằng, IPSC là dự án kịp thời và quan trọng khi đưa ra mục tiêu đổi mới công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó cải thiện năng suất và hiệu quả, là động lực để hình thành các mô hình kinh doanh bền vững.
Đại diện SavvyCom đề cao phương thức hợp tác công tư của dự án, thể hiện cam kết song phương. "Các doanh nghiệp đã thể hiện cam kết, quyết tâm ngay từ việc đăng ký tham gia", bà Vân chia sẻ.
Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Cục Phát triển doanh nghiệp - Cơ quan chủ Dự án chủ trì, phối hợp với USAID, nhà thầu Deloitte và các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp.
Phong Vân
Doanh nghiệp có thể truy cập website để đăng ký tham gia dự án.