Ông Phạm Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Lan Việt Nam (Công ty Thảo Lan, địa chỉ quận 7, TP HCM), cho biết tháng 8/2016 ký hợp đồng với Công ty TNHH Kinh doanh và xây dựng Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh, địa chỉ ở Long An) về việc cung cấp cát đắp nền thi công cho cao tốc Bến Lức - Long Thành. Công ty sẽ cấp 10.000 m3 cát, với giá 93.000 đồng mỗi m3, đắp nền đoạn dài 700 m thuộc gói A1-1 của dự án, thuộc huyện Bến Lức (Long An), gần nút giao với cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Theo hợp đồng, Công ty Thảo Lan sẽ được thanh toán một lần sau khi cấp đủ số lượng. Tuy nhiên, khi đơn vị này đưa đủ cát lên công trình thì Công ty Hoàng Anh không có tiền để trả. Trong khi lúc này phía Thảo Lan đã ký hợp đồng với bên vận chuyển, đồng thời triển khai các phà, máy bơm hút cát... nên khó dừng lại. Vì vậy ngoài 10.000 m3 ban đầu, hai bên thỏa thuận sẽ đưa thêm cát lên công trình, mượn mặt bằng tập kết trước rồi chờ Công ty Hoàng Anh có tiền để mua thêm.
Ông Thảo cho hay tổng khối lượng cát được "đơn vị đưa lên công trường cao tốc là 127.000 m3". Tuy nhiên, bên mua là Công ty Hoàng Anh bất ngờ rút khỏi công trình trong khi chưa thanh toán. "Do không liên hệ được với bên mua nên Công ty Thảo Lan đã tổ chức bảo vệ toàn bộ 127.000 m3 cát để chờ được giải quyết", ông Thảo nói và kiến nghị các đơn vị chức năng vào cuộc nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Hiện, Công ty Thảo Lan muốn cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận khối lượng cụ thể để chuyển cát của đơn vị khỏi công trường. Trường hợp nhà thầu mới đang thi công cao tốc có nhu cầu mua lại, đơn vị sẵn sàng làm thủ tục chuyển nhượng.
Do xảy ra tranh chấp nên gói thầu A1-1 của cao tốc Bến Lức - Long Thành dù được tái khởi động sau nhiều năm ngừng trệ, song đoạn 700 m nói trên chưa thể triển khai. Công trường tại đây bị bỏ dở, đứt đoạn, cỏ dại mọc um tùm. Công ty Thảo Lan treo các biển báo "bảo vệ cát, chờ các cơ quan có thẩm quyền xử lý".
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư), gói thầu A1-1 (tên cũ là gói A1) thuộc đoạn phía tây cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trước đây, nhà thầu cũ là liên danh Công ty Halla Copration - Công ty cổ phần Vinaconex E&C ký hợp đồng với thầu phụ là Công ty cổ phần Vicomex thi công. Thầu phụ này mua cát từ Công ty Hoàng Anh đã được tư vấn chấp thuận. Còn việc mua bán giữa Hoàng Anh và Thảo Lan dựa theo hợp đồng kinh tế của hai công ty nên tranh chấp nguồn cát nêu trên là vấn đề riêng, không liên quan công trường hiện tại.
Chủ đầu tư cho biết từ năm 2017, do công nợ giữa hai doanh nghiệp chưa được xử lý, Công ty Thảo Lan cản trở thi công ở đoạn tuyến nói trên. Nhà thầu sau đó khởi kiện và TAND quận 7 ra quyết định áp dụng biện pháp cấm Công ty Thảo Lan, ông Thảo, cùng tổ chức, cá nhân liên quan ngăn cản thi công.
Theo ông Thảo, sau quyết định trên ông cung cấp hồ sơ liên quan và đến tháng 9/2018, tòa án tiếp tục ra quyết định cấm Công ty cổ phần Vinaconex E&C (nhà thầu phụ) chuyển dịch, sử dụng tài sản đang tranh chấp là 127.000 m3 cát, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. "Chúng tôi không cản trở thi công mà chỉ bảo vệ tài sản của mình", ông nói.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An, TP HCM, Đồng Nai, tổng mức đầu tư hiện cập nhật là hơn 29.500 tỷ đồng. Khởi công từ năm 2014, song quá trình triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc do thay đổi về cơ chế, chính sách, nguồn vốn... dẫn đến ngưng thi công từ giữa năm 2019, khi đạt hơn 81%. Một số nhà thầu trước đây đã dừng hợp đồng, VEC phải chọn đơn vị mới triển khai phần việc còn lại. Hiện, dự án có mốc hoàn thành vào quý 3/2025.
Riêng gói thầu đang gặp vướng mắc về nguồn cát trên, VEC cho biết từ năm 2022 đơn vị đã dừng hợp đồng với nhà thầu chính sau quá trình đàm phán không thành. Gói thầu này khởi động lại từ tháng 11 năm ngoái sau khi chọn được đơn vị thi công mới, đang được mục tiêu hoàn thành cơ bản một số hạng mục chính như phần đường, cầu... vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, đoạn 700 m có tranh chấp nguồn cát nên nhà thầu chưa thể triển khai.
Hạ Giang