Cách đây 20 năm, ngày 13/10 hàng năm được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam, với ý nghĩa khuyến khích, tôn vinh vai trò của những doanh nhân có nhiều cống hiến, thành tựu. Hiện cả nước có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Tại cuộc gặp hơn doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, sáng 4/10, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết 9 tháng đầu năm trên 183.000 doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động. Với tốc độ này, số đăng ký thành lập mới năm nay dự báo cao hơn mức 159.000 của 2023. Đây là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục về số công ty đăng ký thành lập mới. Lũy kế 4 năm (2000-2024), số thành lập mới vượt 2,1 triệu.
"Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, tăng trưởng kinh tế, việc làm", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói cho biết doanh nghiệp, doanh nhân hiện góp khoảng 60% GDP, 85% số lao động và 98% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Ông Dũng nói thêm 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các doanh nghiệp lạc quan hơn, với tỷ lệ đánh giá "tích cực" về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định giới doanh nhân có vai trò quan trọng với phát triển nền kinh tế. Ông đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển cả về số, chất lượng, trong đó một số doanh nghiệp phát triển tầm khu vực và thế giới. Điều này, theo Thủ tướng, góp phần nâng vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. "Không có những doanh nhân giỏi dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước không thể thịnh vượng", Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về vốn, trình độ công nghệ và quản trị, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực thế giới. Những cái tên được VCCI nhắc tới như Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH... "Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo được hệ sinh thái cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển", báo cáo của VCCI nêu.
Việt Nam đặt mục tiêu tới 2030 có một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, giữ vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, theo Nghị quyết 41/2023 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả dư địa phát triển.
"Phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Một số còn có tư duy kinh doanh thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược", Bộ trưởng Dũng nói. Theo ông, số có quy mô lớn, năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc chưa cao.
Bối cảnh hiện nay, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, như AI, bán dẫn cùng thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo dịch chuyển dòng vốn đầu tư, cấu trúc đầu tư thương mại. "Điều này đặt ra các thách thức nhưng cũng mang đến thời cơ, vận hội mới", ông Dũng nói, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục cùng Chính phủ phát triển kinh tế-xã hội, có các giải pháp đột phá, đổi mới, sáng tạo.
"Các doanh nghiệp lớn cần đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, khó và mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, dư địa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực", ông nói thêm.
Ông đề nghị Chính phủ cần sớm xây cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn. Ở khía cạnh này, VCCI cũng cho rằng cần sớm có cơ chế, chính sách đột phá, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp dân tộc và các doanh nghiệp lớn, đầu ngành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất các cơ quan nhà nước tháo gỡ, đơn giản thủ tục, có các gói chính sách quy mô lớn cho các động lực tăng trưởng mới và đồng hành cùng doanh nghiệp. Việc này nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, giúp doanh nghiệp phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
Phương Dung