Giá mỗi thùng dầu Brent hiện giảm 5,2% về 24,98 USD. Trong khi đó, dầu thô Mỹ WTI mất 1,37% về 20,2 USD.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, Brent giảm 0,09%, còn WTI tăng gần 2%. Tổng cộng 3 tháng đầu năm, Brent mất giá tới hơn 65% - tệ nhất lịch sử, theo số liệu của CNBC. Chỉ riêng trong tháng 3, loại dầu này đã mất hơn 54%.
Trong khi đó, dầu thô WTI giảm hơn 66% trong quý I, ghi nhận quý giảm tệ nhất đến nay. Trong tháng 3, WTI cũng mất hơn 54%.
Đại dịch đang khiến hàng trăm triệu người trên thế giới chịu cảnh phong tỏa. Việc này tạo ra cú sốc nhu cầu chưa từng có tiền lệ trên thị trường năng lượng, gây sức ép lên các doanh nghiệp và chính phủ phụ thuộc nguồn thu vào bán dầu.
Các nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết nhu cầu dầu đã giảm ít nhất 25% so với mức 100 triệu thùng một ngày năm 2019. "Nhu cầu lao dốc, trong khi nguồn cung lại tăng sau khi OPEC và Nga thất bại trong đàm phán giảm sản xuất hồi đầu tháng 3 có thể khiến tồn kho toàn cầu chạm trần trong vài tuần tới", báo cáo hôm qua của công ty này cho biết, "Kể cả nếu OPEC và các nước khác sau đó sớm hạn chế sản xuất, lượng dầu dư vì cả thế giới bị phong tỏa vẫn sẽ khiến công suất lưu trữ toàn cầu chạm giới hạn vào giữa năm".
Thỏa thuận cứu giá dầu của OPEC và Nga đã hết hạn hôm qua (31/3). Việc này làm dấy lên lo ngại sản lượng sẽ tăng vọt từ hôm nay, khi cả Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh sản xuất.
Giới chuyên gia cảnh báo việc này sẽ châm ngòi cho làn sóng phá sản và giảm đầu tư tại Mỹ. Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia. Điện Kremlin cho biết hai lãnh đạo đã thống nhất sẽ để các quan chức năng lượng cấp cao bàn giải pháp bình ổn thị trường.
Hà Thu (theo CNBC, Bloomberg)