Theo kết quả thăm dò trên mạng của VnExpress từ tháng 11 năm ngoái đến cuối tuần trước, trong số 4.503 độc giả tham gia trả lời có 60,9% mong muốn VN trở thành thành viên của WTO càng sớm càng tốt. Con số trên hoàn toàn trái ngược với thời điểm này của năm ngoái, khi phần lớn những người được hỏi đều tỏ ra lo âu về quá trình gia nhập của VN, thậm chí không muốn VN vào WTO.
Theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Hội nhập kinh tế Quốc tế (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), kết quả trên cho thấy chưa bao giờ ở VN, từ cấp cao nhất cho tới các cơ quan ở phía dưới hay doanh nghiệp lại có một sự đồng thuận cao trong quyết tâm gia nhập WTO càng sớm càng tốt như hiện nay. Ông Thành cho rằng, xét về dài hạn, gia nhập WTO phần được chắc chắn sẽ cao hơn phần mất. Đặc biệt là ở thời điểm hiện nay, vào WTO còn có ý nghĩa của một cuộc chơi lớn khi VN lại là nước chủ nhà của APEC 2006.
"Trở thành thành viên WTO và là nước chủ nhà của APEC 2006 - một sự kiện có sự tham gia của hầu hết các đại gia trên thế giới với nhiều quan chức cao cấp, VN sẽ tạo ra một ấn tượng cực kỳ lớn với các đối tác. Đây cũng sẽ là nền tảng để nâng cao sức hấp dẫn của VN trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Các cuộc trao đổi của VnExpress với doanh nghiệp, kể cả quy mô lớn và nhỏ cũng cho thấy, giờ đây họ đã không còn mơ hồ về WTO như trước. Doanh nghiệp đã nhận thức được rằng, hội nhập và cạnh tranh sẽ giúp mình trưởng thành hơn.
VN nên vào WTO khi nào? |
Càng sớm càng tốt |
|
2,741 phiếu | ||
Khi nền kinh tế hội đủ yếu tố cần thiết |
|
1,514 phiếu | ||
Không nhất thiết phải gia nhập |
|
186 phiếu | ||
Ý kiến khác |
|
62 phiếu | ||
Tổng cộng: 4,503 phiếu |
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, đến lúc này, Sacombank - tuy chưa thể nói là đã chuẩn bị tốt về mọi mặt - nhưng nếu xét về góc độ tâm lý thì họ đã không còn ngỡ ngàng đối với việc gia nhập vào sân chơi toàn cầu nữa.
Khi VN trở thành thành viên WTO, theo nhận định của ông Đặng Văn Thành, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc kinh doanh trên thị trường mở. "Chúng tôi rất mong VN gia nhập vào WTO càng sớm càng tốt. Tất nhiên khi ấy, các tập đoàn tài chính lớn sẽ xâm nhập thị trường VN, nhưng đó cũng là cơ hội để chúng tôi cọ xát và trưởng thành hơn", ông nhấn mạnh.
Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết gì về WTO và luôn giữ thái độ chủ quan thì nay, họ đã chờ đón WTO với một thái độ tích cực và sẵn sàng. Ông Đường Ngọc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty dược phẩm Sao Kim cho rằng, gia nhập WTO là hoàn toàn đúng. Bản thân Sao Kim không còn e ngại WTO như trước đây bởi 100% hàng hóa của họ giờ đã có thể xuất khẩu sang nước khác. Sao Kim tin tưởng sẽ cạnh tranh được với các đối tác nước ngoài khi VN mở cửa.
Có lẽ không có khối doanh nghiệp nào lại mong VN sớm vào WTO như các doanh nghiệp trong ngành may mặc. Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Thêu đan TP HCM (Agtek) Phạm Xuân Hồng cho biết, đối với dệt may xuất khẩu, việc gia nhập WTO có nghĩa rất quan trọng, bởi khi đó chế độ hạn ngạch sẽ được bãi bỏ. Các doanh nghiệp sẽ không phải chật vật với quota.
Vào WTO, doanh nghiệp VN sẽ có cơ hội cọ xát với các doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: T.V. |
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Đức Quân - chuyên sản xuất mực in - Nguyễn Hiếu Đức cũng cho biết, ngoài nâng cấp kỹ thuật, Đức Quân còn chuyển đổi cả mô hình công ty, từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty cổ phần.
Theo ông Đức, thực ra doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị từ lâu về khâu kỹ thuật, kế đến là chiến lược bán hàng, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Một trong những việc làm cần thiết nhất hiện nay của Đức Quân là đẩy mạnh xúc tiến quảng bá để xây dựng một thương hiệu thật vững chắc trên thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa. "Lâu nay VN chưa phải là thành viên của WTO nên nhà sản xuất cảm thấy dễ dàng trong việc sản xuất, kinh doanh. Nhưng khi thị trường mở ra sẽ khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài vì không có thương hiệu", ông Đức lý giải.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, các doanh nghiệp thành viên Agtek đã có sự chuẩn bị về đào tạo nguồn nhân lực và trang bị máy móc, quy mô nhà xưởng... Tuy nhiên, vấn đề này không thể thực hiện ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải có một thời gian dài mới có thể hoàn thiện.
Những người thận trọng một chút thì cho rằng, VN chỉ nên vào WTO khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết. Có 33,6% độc giả của VnExpress tham gia bình chọn đã ngả về phương án này.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, nhiều người đã quá kỳ vọng vào một sự hoàn hảo. Theo ông, chờ đợi một nền kinh tế đang chuyển đổi như VN hội tụ đầy đủ các yếu tố trước khi vào WTO thì là điều không tưởng. WTO là một tổ chức có những nguyên tắc ứng xử riêng, không phải quốc gia nào khi vào WTO cũng có thể đáp ứng được ngay tất cả những yêu cầu này. Do vậy, nếu lo sợ áp lực WTO và muốn chuẩn bị đầy đủ các yếu tố thì có lẽ không quốc gia nào có thể tham gia được. Điều quan trọng không phải là rút khỏi cuộc chơi mà là tích cực chuẩn bị cho cuộc chơi đó.
Cũng theo ông Võ Trí Thành, VN phải nhìn WTO như là sức ép cạnh tranh, để từ đó đẩy nhanh quá trình cải cách. "WTO là một sân chơi mà ở đó các quy tắc ứng xử rất rõ ràng. Gia nhập WTO là một quá trình tác động qua lại, thách thức không phải là ít nhưng cơ hội cũng rất nhiều".
Tuy chỉ có 4,1% độc giả với 186 phiếu cho rằng VN không nhất thiết phải gia nhập WTO, nó cũng cho thấy, vẫn còn một số ít chưa muốn VN tham gia vào sân chơi toàn cầu này, dù biết rằng điều đó không thể không xảy ra.
Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Xuân Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Anh Phương (A&P) tỏ ra rất lo ngại về số phận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi VN vào WTO. Ông cho rằng, chắc chắn sẽ diễn ra một cuộc cạnh tranh ghê gớm, đòi hỏi phải có sự cải tiến mạnh mẽ về mặt công nghệ và thiết bị. "Để làm được điều này thì phải có vốn, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì lấy đâu ra vốn. Hiện nay trong nội bộ chúng tôi đã cạnh tranh với nhau khốc liệt lắm rồi, nước ngoài ồ ạt vào liệu chúng tôi có thể trụ được hay không", ông Phương lo lắng. Theo ông, hội nhập là tất yếu, không thể trì hoãn được, nhưng ông mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa đối với khu vực doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ để hạn chế bớt tác động tiêu cực của hội nhập.
Các chuyên gia nhận xét, thực chất, VN đã mở cửa hội nhập trong suốt 15 năm qua. Bài học lịch sử của quá trình đổi mới và hội nhập trong thời gian này cho thấy, rõ ràng mở cửa là có lợi cho nền kinh tế. "Dù còn chỗ này chỗ kia không được như ý, gặp khó khăn, thậm chí là đổ vỡ, cũng không thể phủ nhận một thực tế là nước ta đã phát triển lên nhiều nhờ mở cửa. Trên thực tế, không phải nước nào mở cửa cũng thành công, song rõ ràng nếu không mở cửa hội nhập thì sẽ không bao giờ phát triển được", một chuyên gia nhấn mạnh.
Vấn đề trên cũng đã nhiều lần được Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự đề cập. Ông rằng, cách đây khoảng 10 năm, khi đàm phán để VN gia nhập ASEAN và cam kết thực hiện các vấn đề về CEPT/AFTA, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng nếu gia nhập thì hàng hóa từ các nước Đông Nam Á sẽ tràn ngập thị trường VN.
Nhưng trên thực tế, lộ trình VN đã thực hiện được mấy năm mà thị trường và các doanh nghiệp VN vẫn ổn định và phát triển rất tốt. Do vậy, ông Tự tin rằng khi vào được WTO thì nền kinh tế VN sẽ phát triển, nếu ngược lại - tức là không vào WTO - VN sẽ đi ngược xu thế hội nhập toàn cầu. Thứ trưởng Lương Văn Tự cho rằng, VN trong gia nhập WTO là nhằm tạo môi trường cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, chứ không phải gia nhập cho VN giàu lên hay nghèo đi.
Trong khung khổ các phiên đa phương, đến nay VN đã cam kết toàn bộ các hiệp định quan trọng của WTO: một là, kể từ khi gia nhập sẽ tuân thủ toàn bộ các hiệp định quan trọng của WTO; Trừ một số ngoại lệ, sẽ tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO kể từ khi gia nhập; Sẽ bãi bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế số lượng (hạn ngạch) hàng nhập khẩu; Sẽ bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản kể từ khi gia nhập WTO; Một số cam kết quan trọng khác như bãi bỏ hoàn toàn chế độ hai giá vào cuối năm 2005, không áp dụng tỷ lệ xuất khẩu bắt buộc đối với doanh nghiệp FDI kể từ thời điểm gia nhập, tuân thủ các quy định của WTO về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.... Trong khung khổ đàm phán song phương với các đối tác thương mại, về cơ bản VN đã chấp nhận nguyên tắc mở cửa thị trường cho cạnh tranh phát triển, nhưng trong một số lĩnh vực sẽ theo lộ trình hợp lý cốt tạo thêm thời gian cho các nhà cung ứng dịch vụ VN thích ứng dần với cạnh tranh. |
Hà Vy - Nguyễn Thùy