Báo cáo "Đào tạo và Phát triển trong doanh nghiệp: Thực trạng và xu hướng trong thời kỳ Chuyển đổi số", do Navigos Group vừa công bố cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với nhiều sự biến động, đặc biệt Covid-19, đã khiến tái định hình lại nhiều ngành nghề.
Điều này đòi hỏi lao động phải liên tục được trang bị những kiến thức và kỹ năng mới, đồng nghĩa với việc phòng đào tạo trong doanh nghiệp càng đóng vai trò quan trọng. Quan điểm này được 34% doanh nghiệp khảo sát đồng thuận.
Báo cáo dựa trên khảo sát 225 doanh nghiệp, với 82% ý kiến cho rằng đào tạo sẽ giúp nâng cao hiệu suất lao động của đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, Covid 19 đã gây những ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020. Cụ thể, 41% cho biết phải giảm một phần các hoạt động đào tạo. 10% ngừng hoàn toàn và 32% cắt giảm ngân sách cho đào tạo và phát triển.
Nhưng vẫn còn điểm tích cực là 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát vẫn giữ nguyên ngân sách dành cho đào tạo và phát triển. 26% giữ nguyên các kế hoạch đào tạo và phát triển, và 23% gia tăng thêm các hoạt động này.
Khảo sát cũng cho thấy, tiền bạc là vấn đề lớn nhất khi doanh nghiệp nghĩ đến hoạt động đào tạo. Đứng đầu top 3 thách thức trong đào tạo và phát triển hiện là "ngân sách hạn hẹp", chiếm 40%.
Các dữ liệu khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp không đào tạo cho nhân viên các kỹ năng cơ bản và quan trọng như: ngoại ngữ (chiếm 43%); kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin (24%); các chương trình đào tạo về bán hàng – tiếp thị - quan hệ khách hàng (22%).
Navigos đánh giá, việc thiếu hụt đào tạo các kỹ năng nói trên sẽ có thể dẫn đến khả năng doanh nghiệp bị "hụt hơi" trong việc cạnh tranh trên thị trường không chỉ về sản phẩm, dịch vụ mà còn trong việc giữ chân nhân tài.
Ngoài ra, 22% doanh nghiệp không có các chương trình đào tạo đội ngũ quản lý tương lai. Ngay cả đối với đội ngũ quản lý và lãnh đạo hiện tại, 32% cũng không có các chương trình đào tạo dành riêng cho đội ngũ này.
Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group đánh giá, chuyển đổi số không còn là các dự báo xa vời mà là những yêu cầu sống còn với doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn phát triển nhanh và bền vững. Chính vì thế, đào tạo và phát triển là một trong những chìa khóa quan trọng để họ chuyển đổi thành công.
"Cho dù đó là các sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp hay các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cho đội ngũ nhân sự, việc xây dựng chính sách cho đào tạo và phát triển một cách thực tế sẽ khiến doanh nghiệp tạo ra được các lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường", ông Gaku khuyến nghị.
Báo cáo cho biết thêm, 52% doanh nghiệp cho rằng đào tạo trực tuyến (E-learning) sẽ là hình thức chủ đạo trong 5 năm tới. Tiếp theo là hình thức đào tạo tích hợp (Blended learning), từ học tập theo truyền thống đến học trực tuyến. Để tổ chức hoạt động đào tạo hiệu quả, Navigos đưa ra 3 khuyến nghị.
Thứ nhất, đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là quản lý cấp cao cần xây dựng "văn hóa học tập" và "học tập suốt đời" bằng cách làm gương cũng như tạo động lực để việc học tập này được triển khai rộng rãi trong doanh nghiệp. Cho dù ngân sách dành cho đào tạo nhiều hay ít, sự cam kết của đội ngũ lãnh đạo trong việc đầu tư cho con người là quan trọng nhất.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ đào tạo nội bộ giỏi vì họ chính là những người thấu hiểu nhu cầu đào tạo và phát triển nhất trong doanh nghiệp
Thứ ba, chuyển đổi số là yêu cầu trọng tâm đối với doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ trong đào tạo gần như là bắt buộc để có thể theo kịp được các yêu cầu về chuyển đổi số.
Viễn Thông