Phiên giao dịch việc làm kết nối 10 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Ngành nghề tuyển chủ yếu là điện tử, may mặc, cơ khí. Riêng lao động phổ thông tới 54.100 chỉ tiêu, chiếm gần 97% tổng nhu cầu; cao đẳng, đại học khoảng 2% và 1% còn lại là công nhân kỹ thuật và trung cấp.
Bắc Giang dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng với 44.800 vị trí việc làm. Tại sàn giao dịch việc làm Bắc Giang, gần 500 lao động đến ứng tuyển, chủ yếu là công nhân phổ thông với thu nhập dự kiến 9-15 triệu đồng, gồm lương cứng và tăng ca. Với những vị trí có mức lương cao hơn đòi hỏi trình độ như biết ngoại ngữ, ứng viên hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu.
Năm 2023, do nhu cầu mở rộng sản xuất, toàn tỉnh sẽ cần khoảng 60.000 lao động ở nhiều ngành nghề, chủ yếu vẫn là công nhân sản xuất ngành điện tử, còn lại là phụ trợ, xây dựng, bán hàng.
Bắc Ninh có 11 doanh nghiệp đăng ký phiên giao dịch việc làm với hơn 2.500 chỉ tiêu. Dự kiến cả năm, các doanh nghiệp Bắc Ninh tuyển mới khoảng 15.000 công nhân sản xuất do các tập đoàn lớn, phần lớn là Hàn Quốc trong lĩnh vực điện tử tăng đầu tư.
Lãnh đạo một công ty hơn 1.000 lao động chuyên gia công linh kiện tại Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết cần tuyển thêm 300 công nhân và hàng chục nhân viên văn phòng do mở rộng sản xuất. Song hai tuần sau Tết, bộ phận tuyển dụng mới tìm được vài chục người, dự kiến phải vươn đến vùng xa như Hà Giang, Nghệ An. Thu nhập cho công nhân trực tiếp sản xuất khoảng 7-9 triệu đồng mỗi tháng, có đóng bảo hiểm xã hội. Mức 12 triệu đồng kèm phúc lợi mỗi tháng ưu tiên cho nhân viên kỹ thuật, có tay nghề.
Tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, hàng chục doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, thương mại dịch vụ, xây dựng và giáo dục. Phỏng vấn hai ứng viên, bà Trần Thị Khánh Tuyền, Phó phòng tổ chức nhân sự Công ty Sông Hồng, vẫn chưa chốt được người nào. Công ty đang cần tuyển nhân viên xăng dầu, xuất nhập khẩu, lái xe đưa đón học sinh và cả công nhân khu công nghiệp. Thu nhập của lao động từ 8 đến 30 triệu đồng tùy vào vị trí.
Nhiều năm làm tuyển dụng, bà Huyền cho rằng sau Tết là thời điểm vàng để doanh nghiệp tìm kiếm người mới. Sau hai năm trầm lắng vì dịch, lượng người ứng tuyển năm nay đông hơn. Song mỗi vị trí có yêu cầu riêng, số lượng ứng viên dù lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hiện mức thu nhập của lao động phổ thông chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc công việc thời vụ, partime... khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập có thể cao hơn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên khi phỏng vấn.
Phân khúc thu nhập 10 triệu đồng dành cho các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức 10-15 triệu mỗi tháng dành cho vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng phó phòng yêu cầu lao động có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, chịu áp lực cao.
Nhiều năm quan sát, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhận thấy năm nay ít còn nhảy việc ồ ạt như trước. Trong bối cảnh cắt giảm nhân sự, mất việc gia tăng, người lao động mong muốn giữ được thu nhập hơn là tìm cơ hội mới. Doanh nghiệp phía Bắc ít chịu ảnh hưởng của việc cắt giảm đơn hàng, vẫn mở rộng sản xuất và tuyển dụng lao động.
Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn chiếm thế mạnh tuyển dụng lao động gia công thiết bị, linh kiện điện tử; Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... với sự hồi phục dịch vụ, thương mại, vận tải nên nhu cầu tuyển dụng của khối này lớn. Riêng quý I, Hà Nội cần tuyển khoảng 120. 000 vị trí việc làm. Các doanh nghiệp vận tải logistics cần tuyển nhiều nhất, khoảng 18.000 cho vị trí lái xe, nhân viên kho, điều vận, do nhu cầu đi lại của người dân lẫn vận chuyển hàng hóa tăng.
"Thu nhập phân chia theo tay nghề nên muốn có mức lương cao hơn, lao động cần bồi đắp kỹ năng. Công nhân phổ thông trong quá trình làm việc có thể học hỏi thêm các kỹ năng để phấn đấu lên vị trí cao hơn, thu nhập tốt hơn", ông Thành nói.