Buổi giao ban hôm qua của Bộ Công thương được tiến hành nhằm bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu trong 6 tháng còn lại của năm. Tại đây, chủ tịch một hiệp hội đại diện các ngành hàng xuất khẩu chủ lực khẳng định thiếu điện là nguyên nhân chính ảnh hưởng mục tiêu xuất khẩu 61,2 tỷ USD. Vì vậy, tình hình mất điện cần phải được nhanh chóng khắc phục.
Thiếu điện ảnh hưởng trầm trọng đến các hợp đồng giao hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: Tùng Anh. |
Đại diện Tập đoàn Điện lực VN (EVN), ông Huỳnh Văn Thanh giải thích, có ít nhất 2.600 MW điện không nhập vào hệ thống vì những nguyên nhân kỹ thuật từ các nhà máy Cà Mau 1, Cà Mau 2 (công suất của mỗi nhà máy này đang ở mức 750 MW), Nhơn Trạch 150MW.
"Hiện EVN chỉ mới quản lý và cung cấp khoảng 60% lượng điện. 40% lượng điện còn lại phải mua từ bên ngoài. Chúng tôi hoàn toàn bị động trong quá trình điều động điện", ông Thanh nhìn nhận.
Tuy nhiên, Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu tỏ rõ sự không đồng tình với giải trình của EVN, cho rằng ngành điện không thể chỉ có mỗi giải pháp là xin lỗi, trong khi thiệt hại của doanh nghiệp vì thiếu điện là quá lớn. Ông Khu yêu cầu EVN phải có kế hoạch báo trước tình trạng cung cấp điện cho các doanh nghiệp.
Đại diện một công ty xuất khẩu nêu một bức xúc về việc hạn chế vốn vay của Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng như trong thời điểm hiện nay đã gây cản trở lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, quy định không cho vay ngoại tệ đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều đơn vị xuất khẩu.
"Tình trạng hàng loạt conteiner của doanh nghiệp không được giải phóng tại cảng có nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp không vay được ngoại tệ, không thể thanh toán được các chi phí trong nước", vị đại diện này khẳng định. Chưa hết, phí cảng biển của các đơn vị vận tải mới đây đã tăng thêm 70-15-USD một conteiner, đồng thời mức phí tắc nghẽn cảng tăng thêm 50 USD một conteiner loại 20 feet, càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Bùi Xuân Khu cho biết sẽ xem xét những khó khăn bức xúc hiện nay của các doanh nghiệp. Đồng thời trình Chính phủ những vấn đề ngoài khả năng giải quyết của Bộ nhằm nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính phủ vừa qua cũng đã chỉ đạo thành lập tổ chức công tác liên ngành giám sát hoạt động xuất khẩu theo hướng nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh cho doanh nghiệp. Tổ công tác 10 ngày một lần sẽ họp để báo cáo Chính phủ những khó khăn phát sinh nằm ngoài trách nhiệm của các Bộ. Đây là một trong những biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo kế hoạch xuất khẩu năm 2008.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2007. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu một tháng cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 30,6 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2007.
Vi Vi