"Tôi 48 tuổi, đầy đủ bằng cấp, xin việc ở rất nhiều công ty và doanh nghiệp tư nhân nhưng đều trả lời lớn tuổi, nên giờ mở tiệm rửa xe gắn máy. Không biết có những ai trong độ tuổi gặp phải tình trạng giống tôi khi đi xin việc không?".
Độc giả Nguyen XuanPhuoc chia sẻ tự kinh doanh vì đi xin việc, bị chê lớn tuổi. Tuổi tác là vấn đề mà người lao động phổ thông lẫn bằng cấp đang phải đối mặt khi đi xin việc.
Chia sẻ này được viết sau bài Tuyển công nhân ngày càng khó. Theo đó, hiện nay nhiều nhà máy ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đối mặt tình trạng "khát" lao động, đặc biệt ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất - chế biến gỗ. "Nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng ngày càng khó kiếm người", vị Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM.
Đại diện Công đoàn một doanh nghiệp cho biết thu nhập của công nhân mới từ 7-8 triệu đồng mỗi tháng. Độc giả nickname Dân đen đứa ra phân tích chi tiết để hiểu rõ tại sao các nhà máy ở thành phố lớn lại khó tuyển dụng được công nhân:
"Với mức lương 1 tháng 7 triệu đồng, tiền phòng trọ là 2 triệu + 500 nghìn điện nước, wifi, rác = 2,5 triệu đồng. Một ngày tiền ăn uống chi tiêu lặt vặt hết khoảng 100 nghìn x 30 ngày = 3 triệu. Tiền xăng xe khoảng 500 nghìn. Tổng chi phí tối thiểu 1 tháng hết 6 triệu, còn lại có 1 triệu nếu ốm đau bệnh tật, hoặc có đám cưới đám giỗ xem như hết 1 tháng lương 7 triệu.
Vậy người lao động nghèo không về quê chứ họ chen chúc ở thành phố lớn làm gì cho cực, cho khổ? Thành phố lớn giờ chỉ dành cho người thu nhập khá và cao sinh sống mà thôi.
Trả lương cao cho công nhân thì rất khó cho nhà máy, trả lương thấp thì lại không thuê mướn được công nhân, bài toán công nhân giá rẻ ở Việt Nam đang nan giải".
Độc giả linhtruongn7 nói: "Với sự bấp bênh của doanh nghiệp thì người lao động phổ thông họ phải tìm kế sinh nhai ổn định hơn cho cuộc sống của họ thôi. Không cần thì sa thải, lúc cần thì than khó tuyển. Chẳng công nhân nào chờ đợi sự bấp bênh đó đâu. Doanh nghiệp lo túi tiền của mình thì công nhân bị sa thải họ cũng phải lo chén cơm của họ".
Độc giả Ten cho rằng người lao động hiện nay có nhiều lựa chọn: "Lao động trẻ ngày nay không thích gò bó trong nhà xưởng. Họ muốn tung tăng ngoài xã hội, như chạy Grab, tiếp thị, bán quán, mở quán cà phê...
Vả lại, ở tỉnh đã có nhiều việc làm, các khu công nghiệp mới mở thu hút lao động, ưu đãi lớn. Rồi việc làm trong vườn, trang trại, v.v. Mà tâm lý bị sa thải vẫn còn, dù rất nhiều người cần làm việc nhưng vẫn chọn làm thời vụ kiếm cơm chờ lãnh bảo hiểm một cục tiền".
Quay trở lại vấn đề tuổi tác lao động, độc giả Weed cho rằng: "Bây giờ tuyển công nhân mà giờ đòi người trẻ thì khó. Tuyển dưới 45 tuổi thì khó kiếm nhiều công nhân. Nên nới độ tuổi lên cao sẽ nhận được nhiều hồ sơ".
Đồng quan điểm, độc giả hathunguyen15 nói:
"Sau những khoảng thời gian khó kiếm công nhân như thế này, thì các nhà tuyển dụng ở Việt Nam nói chung sẽ bớt kén cá chọn canh, bớt chê người độ tuổi U30-50 ngay.
Nước nào rồi cũng sẽ qua khoảng thời gian vậy để người lao động bớt bị ở thế 'chiếu dưới' với nhà tuyển dụng. Theo chuyên gia, người lao động cảm thấy việc gắn bó lâu dài với một nhà máy không còn ý nghĩa bởi có thể phải rời đi bất kỳ lúc nào.
Do đó, họ chuyển hướng sang công việc thời vụ, ngắn hạn với tâm thế 'làm chủ cuộc chơi'. Lúc này, điều kiện giúp họ chuyển đổi lại rất thuận lợi bởi rất nhiều công việc mới, thời gian linh động xuất hiện.
Tất nhiên không phải lao động nào cũng chuyển đổi nhưng họ sẽ lựa chọn những nơi từng có các chính sách tốt với công nhân để ứng tuyển".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.