Tối qua, nhiều ôtô đã tranh thủ đổ xăng trước giờ tăng giá. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Nguyễn Xuân Thục, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Sông Hồng, cho biết hằng tháng doanh nghiệp thường vận chuyển 15 chuyến tàu thuỷ chở cát từ Việt Trì về Hà Nội, chi phí cho dầu diezen là khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/chuyến. "Hợp đồng vận chuyển này được chúng tôi ký hợp đồng trước cả năm. Vì vậy, việc tăng giá xăng dầu bất ngờ như vậy đã làm cho doanh nghiệp bị động trong việc điều chỉnh kế hoạch. Theo ước tính, mỗi chuyến riêng tiền dầu công ty sẽ phải bù ra khoảng 70.000 đồng", ông Thục nói.
Để đảm bảo kế hoạch kinh doanh của năm nay, công ty sẽ tiến hành cuộc họp nội bộ khẩn cấp để đưa ra giải pháp khắc phục. "Dự kiến, biện pháp chúng tôi sẽ đưa ra là thương thuyết lại với khách hàng, theo đó sẽ thuyết phục đối tác và doanh nghiệp chấp nhận chia đôi khoản chênh lệch giá này. Bên cạnh đó, những biện pháp về tiết kiệm chi phí sẽ được áp dụng như tính toán kỹ lại độ lên xuống của thuỷ triều, tránh chạy ngược dòng nước nhiều. Ngoài ra, giá thành mỗi mét khối cát có thể tăng từ 26.000 đồng lên 26.500 đồng", ông Thục cho VnExpress biết.
Sau khi được tin tăng giá xăng dầu từ tối qua, ông Hồ Chương, Giám đốc Công TNHH Du lịch Sài Gòn (đơn vị kinh doanh hãng Taxi 8.212.121), đã khảo sát ngay tại các điểm đỗ xe của doanh nghiệp để có thể đưa ra những đánh giá về tác động của việc này. "Chúng tôi đang tính đến hai phương án nhằm giải quyết khó khăn cho nhân viên. Theo đó, nếu thị phần tăng lên thì có thể tính toán để doanh nghiệp và lái xe cùng chịu thiệt, trong trường hợp việc mở rộng thị trường gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia giữa công ty và người lao động. Nếu khả năng thứ hai xảy ra thì công ty sẽ phải chịu thiệt là chủ yếu. Tuy nhiên, mọi biện pháp cụ thể sẽ được đưa ra tại cuộc họp khẩn cấp vào ngày mai", ông Chương nói.
Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, việc tăng giá xăng dầu có thể sẽ khiến họ tăng giá thành sản phẩm lên để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, đối với những đơn vị sử dụng xe chủ yếu vào giao dịch thì việc này lại không hoàn toàn dễ dàng. Ông Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Ngọc Long, cho biết họ chủ yếu sử dụng xe để liên hệ công tác, ký kết các hợp đồng. "Công ty có thể sẽ hạn chế dùng ôtô vào những công việc không quá quan trọng", ông Ngọc nói.
Với doanh nghiệp, việc tăng giá 250-400 đồng/lít xăng dầu có thể là cao nhưng với nhiều người tiêu dùng không có ảnh hưởng lớn. “Mỗi ngày tôi chỉ sử dụng khoảng 1 lít xăng, như vậy tôi cũng chỉ phải bỏ thêm 400 đồng/lít. Tuy nhiên, thời gian áp dụng quá nhanh cũng khiến tôi bất ngờ”, chị Nguyễn Phương Lan ở Nhân Chính, Hà Nội, nói với VnExpress khi đang đổ xăng trên đường Láng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức giá xăng dầu tăng như trên sẽ tác động không nhiều đến giá thành của một số sản phẩm. Cụ thể giá thành điện sẽ tăng 0,38%, xi măng tăng 0,04-0,16%, lúa tăng 3,9 đồng/kg, cà phê tăng 0,4%, vận tải đường bộ tăng hơn 2%, đánh bắt cá xa bờ tăng 120 đồng/kg. Đặc biệt, cá nhân đi xe máy, nếu sử dụng 1 tháng 15-20 lít xăng, thì cũng chỉ chi thêm từ 6.000-8.000 đồng.
Theo Bộ Tài chính, sở dĩ việc tăng giá được áp dụng bất ngờ là nhằm tránh việc đầu cơ gây xáo trộn mặt hàng này trên thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Thứ trưởng Tài chính, cho biết việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này vẫn tiếp tục thực hiện phương châm: Nhà nước chịu một phần (thông qua giảm thuế nhập khẩu, tiếp tục xử lý tài chính cho hoạt động kinh doanh xăng dầu), người tiêu dùng gánh chịu một phần do giá tăng và doanh nghiệp kinh doanh gánh chịu một phần (tiết kiệm chi phí và tạm thời chưa có lợi nhuận).
Cũng theo ông Tuấn, nếu thời gian tới mặt hàng này trên thế giới giảm giá thì giá xăng dầu trong nước có thể chưa được điều chỉnh ngay, mà trước tiên Nhà nước sẽ tính toán đến việc không phải bù lỗ như thời gian qua.
Ngọc Quang