Nhiều thời điểm trong 2022, chiết khấu - mức hoa hồng đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho các doanh nghiệp bán lẻ - giảm xuống 0 đồng khiến nhiều đơn vị bán lẻ thua lỗ, thậm chí đóng cửa. Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới nguồn cung xăng dầu trên thị trường bị gián đoạn, đứt gãy tại một số địa phương.
Nhắc lại câu chuyện này, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh), cho rằng nguyên nhân chính bởi những quy định hiện tại trong kinh doanh xăng dầu chưa công bằng với các chủ thể tham gia. Ông phân tích, theo quy định hiện hành, chi phí kinh doanh định mức trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu gồm khâu bán buôn và bán lẻ, nhưng không phân định rõ tỷ lệ phân chia là bao nhiêu. Việc này dẫn tới thực tế doanh nghiệp đầu mối chia không đều, hạ mức chiết khấu của khâu bán lẻ xuống rất thấp, hoặc thậm chí bằng 0.
Các doanh nghiệp bán lẻ nói họ đã nhiều lần đấu tranh nhưng không đạt được kết quả. Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, ban hành hồi tháng 11/2023, cũng chưa giải quyết câu chuyện này.
Vì thế, khi góp ý với Bộ Công Thương về điểm còn bất cập trong kinh doanh xăng dầu để xây dựng một nghị định mới thay thế các quy định hiện nay theo yêu cầu của Chính phủ, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục kiến nghị cần có mức chiết khấu cố định cho họ trong cơ cấu tính giá cơ sở, tối thiểu 5%.
"Phần chi phí này là cần thiết để doanh nghiệp duy trì kinh doanh", ông Tây góp ý.
Điểm bất cập khác trên thị trường xăng dầu hiện nay là tồn tại nhiều tầng nấc trung gian, như thương nhân phân phối, làm tăng chi phí lưu thông. Hệ lụy được Thanh tra Chính phủ nêu tại kết luận công bố đầu tháng 1, là thương nhân phân phối bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá. Trong 5 năm (2017-2022), một số thương nhân đầu mối hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá khoảng 9.700 tỷ đồng; trong khi một số thương nhân phân phối hưởng hơn 75 tỷ đồng.
Việc này cũng dẫn đến nhiều hành vi mua bán trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ, theo Thanh tra Chính phủ.
"Cần giảm bớt các khâu trung gian trong hệ thống kinh doanh, làm rõ phương thức giao dịch xăng dầu khi xây dựng nghị định mới", TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói.
Để giảm các bước trung gian này, theo Giám đốc Công ty Bội Ngọc, cần quy định doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ không được mua bán qua lại với nhau. Ông dẫn ví dụ cùng một lượng xăng dầu qua tay mua bán nhiều lần sẽ khiến chi phí bán buôn tăng lên, chiếm hết phần chi phí và lợi nhuận của khâu bán lẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán gây gián đoạn nguồn cung thị trường như giai đoạn năm 2022.
Khi xây dựng Nghị định mới, một số chuyên gia cũng lưu ý tới điều hành giá xăng dầu, trong đó có quan điểm nên để doanh nghiệp được định giá bán lẻ, thị trường quyết định cung cầu.
"Cơ chế điều hành giá xăng dầu cần theo cơ chế thị trường hơn", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) góp ý. Bởi, lĩnh vực kinh doanh này không thể hành chính hóa khi Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình thế giới về giá và nguồn cung.
Ở khía cạnh kinh doanh, đại diện một doanh nghiệp đề xuất trước khi xây dựng một nghị định mới về xăng dầu, thay thế các quy định hiện hành, cơ quan quản lý cần thống nhất quan điểm "doanh nghiệp xăng dầu không phải là đơn vị công ích".
"Việc dùng mệnh lệnh hành chính bắt buộc doanh nghiệp bán hàng vô điều kiện, lỗ cũng phải bán, chiết khấu 0 đồng không nên lập lại trong tương lai", ông kiến nghị.
Theo vị này, nếu doanh nghiệp tự định giá, họ sẽ tự cân đối nguồn lực, lãi lỗ. Từ đó, kích thích việc nhập hàng để gia tăng lợi nhuận. Khi đó, nguồn cung xăng dầu sẽ được đảm bảo, giá sát với thị trường nhờ cạnh tranh đem lại. Phía doanh nghiệp cũng cố gắng làm ăn tốt để tạo uy tín trên thị trường, chuyện nợ thuế sẽ giảm thiểu.
Cùng đó, khâu kiểm tra, kiểm toán cần được cơ quan quản lý thực hiện sát sao hơn. Nhà nước phải định kỳ kiểm tra doanh nghiệp đầu mối về tính giá thành, các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ để giá đúng thực chất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị một số nội dung khác, như đưa thời gian điều chỉnh giá về tần suất hai tuần một lần để phù hợp với chu kỳ kinh doanh, bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tránh doanh nghiệp chiếm dụng vốn và sinh ra nhiều vi phạm trong quản lý tài chính, hay sửa quy định về xuất hóa đơn điện tử sau từng lần.