- Những ngày qua, ông đã đón nhận phản ứng về bức ảnh gây tranh cãi của mình ra sao?
- Trong cuộc đời nhiếp ảnh, tôi gặp rất nhiều sự cố liên quan đến những tác phẩm. Có trường hợp, nhiều người cùng nhận là nhân vật trong ảnh của tôi, dẫn đến xô xát rồi tranh cãi nhau. Tôi cũng nghe rất nhiều lời chê bai rằng ảnh chiến trường của tôi, phần lớn do sắp đặt mà có. Tôi nghĩ, trong giới nghệ sĩ, chuyện ghen ghét, ghen tị, nói xấu nhau là điều không tránh khỏi nên không để tâm. Ngay cả nhiếp ảnh gia người Đan Mạch, Stjerneklar, tôi nghĩ ông ấy cũng có chút bất đồng với tôi trong quan niệm nghệ thuật nên mới để ý kỹ tấm ảnh ấy trong vô số bức ảnh ông đã thích khi xem cuốn sách Khoảnh khắc. Nhưng chuyện lần này là một sự cố vô cùng đáng tiếc khiến tôi buồn và suy nghĩ trong nhiều ngày qua.
Tôi khẳng định rằng ngoài bức Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác, tôi không can thiệp hay xử lý bất cứ bức ảnh nào khác của mình. Dù sao, phần lớn những tác phẩm của tôi đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của chúng, để lại giá trị nào đó cho thế hệ mai sau.

Tấm ảnh gây tranh cãi của tác giả Đoàn Công Tính. Ảnh: MaydayPress.
- Ông giải thích sao về sự cố này?
- Sự thực, những gì trong bức ảnh đều có thật ngoài đời, không hoàn toàn là do sắp đặt như nhiều người nói. Thác nước và những người lính trong hình là có thật. Tôi chụp bức ảnh đó vào đầu mùa mưa năm 1970 tại dãy Trường Sơn, phần giáp ranh giữa Quảng Bình, Quảng Trị. Thác nước khi đó dội xuống ào ào đến mức ánh sáng của chúng khiến bức ảnh trở thành ngược sáng. Vì vậy, khi tôi gửi ra, báo Quân Đội Nhân Dân từ chối đăng do hình người nhìn không rõ.
Sau đó, do phim gốc bị hỏng, tôi đem ra tiệm nhờ người khôi phục lại và họ tạo hình thác nước như trong tấm ảnh in năm 2001. Tôi biết đó là ảnh có can thiệp photoshop nên chỉ giữ lại để chơi. Trước khi được treo tại triển lãm Visa pour l'Image Perpignan 2014, tôi chưa từng công bố bức ảnh này trên báo chí. Thậm chí, tôi từng đi triển lãm Thụy Điển, Nhật Bản, rồi ba lần triển lãm trong nước nhưng chưa lần nào đưa tấm Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác ra trưng bày.
Mấy năm gần đây, tôi trở nên lú lẫn do ảnh hưởng từ những lần chịu sức ép của bom và những ám ảnh chết chóc trong chiến tranh. Việc đưa đĩa CD ảnh, trong đó có tấm Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác cho ông Patrick Chavel là một biểu hiện cho sự lú lẫn của tôi. Trước đó, tôi luôn ý thức rằng tấm ảnh này tôi chỉ giữ cho riêng mình.
- Khoảnh khắc ông chụp tấm "Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác" đã diễn ra thế nào?
- Đó đơn giản là một trong rất nhiều khoảnh khắc chiến tranh được tôi ghi lại khi thấy một đoàn chiến sĩ vượt lên trước mình và dùng dây băng qua một con dốc. Trong thực tế, có đến sáu người lính trong bức hình gốc. Khi chỉnh sửa, một trong hai người lính đứng trên đỉnh dốc, phía tay phải đã bị cắt đi.
Lúc chụp tấm hình, tôi có sự xúc động rất dữ dội. Vì nhân vật trong ảnh là những người tôi không hề biết. Mãi sau này, tôi mới hay họ là lính trinh sát đi trước để mở đường. Chứng kiến những người lính nhỏ bé nhưng can trường trước thiên nhiên khắc nghiệt và hùng vĩ, tôi chọn góc thấp rồi đưa máy lên chụp. Bức ảnh này tôi chụp hết hai tấm phim. Khi tôi còn ở nhà cũ, rất nhiều phim chụp từ thời đó bị hỏng, tôi thích tấm này nên cố in ra để giữ lại. So với tiêu chí ảnh báo chí thời đó thì nó không đạt vì nhìn không rõ mặt nhân vật. Có thể, phương Tây họ thích phong cách vậy nên đem treo trong triển lãm. Tôi không ngờ bức ảnh gây được hiệu ứng lớn như vậy.

Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính chỉ vào hai trong số những tấm phim bị hỏng trong cuộn phim có tấm hình "Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác". Ảnh: Châu Mỹ.
- Theo ông, tiêu chí mà một bức ảnh chiến tranh cần có là gì?
- Một bức ảnh chiến tranh phải đảm bảo các yếu tố: chụp sát sự kiện vừa diễn ra, rõ ràng, có khói lửa, đổ nát, chết chóc (dù đó là điều không ai mong muốn). Quan trọng nhất trong một bức ảnh là tinh thần của con người. Các phóng viên chiến trường hơn nhau ở chỗ nhanh tay, nhanh chân chạy trước để bắt được khoảnh khắc. Đôi khi hai phóng viên chỉ chụp cách nhau vài phút đã ra hai tấm ảnh khác nhau.
- Quá trình tác nghiệp của một phóng viên chiến trường gặp những khó khăn và thuận lợi gì?
- Phóng viên chiến trường không khác gì một người lính chiến đấu trên mặt trận. Khác ở chỗ, phóng viên khó di chuyển hơn lính trận. Lính có thể ẩn, nấp, né, tránh những làn đạn để lựa thế chiến đấu tốt nhất còn phóng viên phải trực tiếp đối diện với những thứ đó mới có được những bức ảnh đắt giá ghi lại thời khắc lịch sử. Tôi đã chứng kiến một người quay phim, vì máy móc cồng kềnh quá, không né được bom bi nên chết ngay tại chỗ. Bản thân tôi bị thủng màng nhĩ, thần kinh bị ảnh hưởng nặng nề từ sức ép của bom và những cảnh chết chóc, thương vong.
Điều kiện tráng, rửa ảnh thời kỳ đó cũng rất khó khăn. Nếu đi chiến dịch dài, tôi thường xuyên phải tráng rửa ảnh dưới hầm, trên đầu là máy bay địch quần thảo. Với chiến dịch ngắn, chụp xong, tôi phải bằng mọi cách trở lại tòa soạn ở Hà Nội để tráng rửa ảnh và đưa tin. Tôi có ba kỷ lục ở báo Quân Đội Nhân Dân: chạy nhanh nhất từ chiến trường về tòa soạn, kỷ lục ảnh đăng tràn trang nhất của báo và là phóng viên ảnh duy nhất vào được thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm đỏ lửa.

Tác giả Đoàn Công Tính bên bức "Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác" được treo tại nhà riêng cùng những tấm ảnh chiến trường khác. Ảnh: Châu Mỹ.
- Rời chiến trường, công việc nhiếp ảnh của ông phát triển theo hướng nào?
- Sau hòa bình được vài năm, tôi chuyển sang làm ở Viện nghiên cứu lịch sử. Tôi về hưu ở tuổi ngoài 40. Nhờ tay nghề chụp ảnh, tôi nuôi sống được gia đình và lo cho hai con ăn học, trưởng thành. Tôi nhận nhiều công việc liên quan đến nhiếp ảnh, từ chụp ảnh dạo khắp các tỉnh Nam Bộ đến ngồi một chỗ tỉ mẩn chấm từng điểm trên những bức ảnh cũ khách hàng yêu cầu khôi phục. Mấy năm gần đây, do sức khỏe yếu, tôi nghỉ làm, ở nhà đọc sách và ngao du với bạn bè.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, sinh năm 1943 tại Nam Định, từng là phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân, Hội viên hội nhà báo Việt Nam, Hội viên hội nhiếp ảnh TP HCM, Hội viên hội nhiếp ảnh Việt Nam, Hội viên liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế. Ông nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế liên quan tới những tác phẩm ảnh thời chiến.
Một số tác phẩm được giải: |
Châu Mỹ thực hiện