Tháng 4 vừa qua, một tác phẩm nhiếp ảnh của cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính được chọn làm poster trưng bày tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội. Tấm ảnh ghi lại cảnh năm chiến sĩ mặc quân phục, đeo quân trang, dùng dây hỗ trợ nhau leo lên một con dốc dựng đứng. Bên cạnh họ là dòng thác lớn đang đổ nước dữ dội. Trước đó, bức ảnh này đã được giới thiệu tại Visa pour l'Image Perpignan 2014 - một trong số triển lãm nhiếp ảnh báo chí lớn nhất thế giới - được tổ chức hàng năm ở thành phố Perpignan, miền nam nước Pháp.
Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác của Đoàn Công Tính khi trưng bày ở Pháp đã gây ấn tượng mạnh với công chúng thưởng lãm. Tờ The New York Times của Mỹ chọn bức ảnh làm tiêu điểm cho loạt ảnh giới thiệu về ảnh chiến trường Việt Nam tại Perpignan.

Tấm ảnh năm 2001 (trái) và ảnh năm 2014 (phải) được Jorn Stjerneklar so sánh khi đặt cạnh nhau. Ảnh: MaydayPress.
Tuy nhiên, khi nhiếp ảnh gia Đan Mạch Jorn Stjerneklar công bố trên trang cá nhân bằng chứng về tính chân thực của bức ảnh, giới nhiếp ảnh và các nhà nghiên cứu đã dấy lên nhiều tranh cãi.
Theo trang Nouvelobs, khi xem cuốn sách mang tên Khoảnh khắc in năm 2001 của Đoàn Công Tính tại nhà riêng, nhiếp ảnh Stjerneklar phát hiện ở trang thứ 162, bức ảnh Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác khác với tấm ông thấy tại triển lãm Visa pour I’Image Perpignan 2014. Tác phẩm trưng bày có phông nền và nhiều điểm khác biệt. Nếu như dòng thác cạnh mỏm núi trong bức ảnh ở cuốn sách năm 2001 đổ thẳng xuống từ trên cao thì dòng thác trong ảnh năm 2014 được "biến tấu" đổ xuống theo nhiều mỏm đá gập ghềnh với bọt nước trắng xóa.
Khi Stjerneklar hỏi vì sao tác phẩm lại bị chỉnh sửa, Đoàn Công Tính cho biết do phim âm bản bị hỏng nên ông đã dùng công nghệ photoshop để khôi phục phông nền. "Giây phút đó tôi như người thuộc thế giới khác", nhiếp ảnh gia Đan Mạch bày tỏ.

Patrick Chavel bên ảnh "Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác" được trưng bày tại "Visa pour I’Image Perpignan 2014".
Nhưng Stjerneklar cũng nhấn mạnh: "Tôi thực sự không có ý đổ lỗi cho Đoàn Công Tính. Ông không phải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà chỉ làm công việc này trong chiến tranh, rồi dần trở thành phóng viên ảnh báo chí".
Trước những bằng chứng Stjerneklar đưa ra, tờ The New York Times đã gỡ bỏ bức ảnh của Đoàn Công Tính kèm theo lời giải thích. Nhà nghiên cứu thể loại ảnh chiến trường David Campbell cũng công bố bài nghiên cứu của nhiều đồng nghiệp xung quanh tính chân thực của thể loại ảnh báo chí, trong đó có cả câu chuyện của Stjerneklar về bức ảnh Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác.
Trả lời VnExpress, tác giả Đoàn Công Tính khẳng định những gì Stjerneklar công bố là sự thật. Ông cho hay bức ảnh trong cuốn sách năm 2001 hoàn toàn giống với ảnh gốc ông đã chụp năm 1970. Tuy nhiên do phim hỏng, phần thác nước bị cháy sáng, nên ông phải nhờ sự can thiệp của photoshop để cân bằng ánh sáng, làm rõ nét thác nước phía sau. "Bức ảnh năm 2014, thác nước phía sau được chèn mới", ông cho biết.
Lý giải về sự có mặt của bức ảnh tại Visa pour l'Image Perpignan 2014, Đoàn Công Tính nói ông không trực tiếp gửi ảnh mà đưa cho Patrick Chavel - người tuyển chọn của Visa pour l'Image Perpignan 2014 chiếc đĩa in rất nhiều ảnh ông lưu trữ, trong đó có tấm Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác. Việc chọn ảnh do phía ban tổ chức, bản thân ông không được biết trước chuyện này.

Tác giả Đoàn Công Tính (trái) cùng nhiếp ảnh gia Nick Út (phải) thăm bảo tàng di tích chiến tranh.
Tác giả bức ảnh Nụ cười thành cổ Quảng Trị nổi tiếng cho biết thêm, ông đã gửi lời xin lỗi tới ban tổ chức Visa pour l'Image Perpignan 2014 vì những rắc rối do sơ suất của mình.
Trước áp lực của báo chí, giới nhiếp ảnh và giới nghiên cứu, Patrick Chavel phát biểu trên Maydaypress rằng: "Tôi nhận được một đĩa CD từ các nhiếp ảnh gia và không có bất kỳ sự nghi ngờ nào. Nếu biết sự thật đằng sau mỗi bức ảnh, tôi đã trưng bày bản gốc của chúng".
Trước thông tin này, giới nhiếp ảnh Việt Nam hiện cũng có nhiều dư luận trái chiều. Đa số cho rằng bức ảnh gốc vốn đã rất đẹp kể cả khi không có phông nền là thác nước. "Tiếc cho bản thân bức ảnh gốc đã quá xuất sắc", nhiếp ảnh gia Phạm Tỵ bày tỏ. Số khác lên án tác giả bức ảnh đã không tuân thủ luật chơi quốc tế khi đem ảnh đi triển lãm.
Châu Mỹ