Iran ngày 17/6 thông báo đã tăng công suất sản xuất uranium làm giàu ở nồng độ thấp và sẽ sở hữu hơn 300 kg nguyên liệu hạt nhân này vào ngày 27/6. Nếu lời đe dọa trên thành sự thật, Iran sẽ "phá rào" quy định về lượng uranium tối đa mà họ có thể tích trữ theo thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi hồi năm ngoái. Với đà sản xuất này, Tehran có thể sở hữu đủ lượng nguyên liệu để chế tạo bom nguyên tử trong chưa đầy một năm.
Chuyên gia nhận định với tuyên bố trên, giới lãnh đạo Iran dường như đang muốn kiểm tra sự đoàn kết giữa phần còn lại của liên minh vẫn tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, đặc biệt là các cường quốc châu Âu, với Mỹ. Câu hỏi đặt ra là liệu các cường quốc châu Âu có ngoảnh mặt với Mỹ để giúp Iran chống lại những biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt từ Washington nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân hay không?
Một số nước châu Âu lâu nay vẫn đổ lỗi cho Tổng thống Trump vì đẩy Iran đến tình cảnh phải đe dọa phá vỡ thỏa thuận hạt nhân vốn đang phát huy tác dụng. Liên minh châu Âu (EU) mới đây cũng kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế tối đa" và không vội vàng đổ lỗi cho Iran trong vụ tấn công hai tàu dầu trên vịnh Oman, bất chấp việc Washington khẳng định Tehran là thủ phạm đứng sau vụ việc.
Các chuyên gia cho rằng thực tế này có thể khiến giới lãnh đạo Iran tin rằng sẽ có rất ít đồng minh ủng hộ Mỹ lợi dụng vụ tấn công tàu dầu để gia tăng căng thẳng trong khu vực. Dù vậy, tình thế hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chỉ cần một tính toán sai lầm từ bất kể bên nào, xung đột sẽ dễ dàng bùng phát.
Tổng thống Trump hiện đối mặt với hai thách thức: Đảm bảo an toàn cho vịnh Ba Tư để vận chuyển dầu và ngăn Iran đạt được năng lực chế tạo bom nguyên tử. Cả hai nhiệm vụ đều vô cùng khó khăn, giới quan sát đánh giá. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là một phần trong nỗ lực của Trump nhằm hiện thực hóa lời hứa khôi phục sự tôn trọng đối với quyền lực Mỹ đến mức các đối thủ phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân họ đang theo đuổi, bắt đầu từ Triều Tiên, sau đó tới Iran.
Hơn hai năm trên cương vị Tổng thống, những nỗ lực ngoại giao của Trump với Triều Tiên vẫn chưa thể khai thông thế bế tắc. Các cơ quan tình báo Mỹ thậm chí cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn tiếp tục âm thầm mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Hồi năm ngoái, khi quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, Trump có lẽ tin rằng Iran sẽ dần suy yếu và chịu khuất phục trước các biện pháp trừng phạt do Washington tái áp đặt. Song ít nhất đến nay, chiến lược của ông vẫn chưa thành công.
Việc leo thang căng thẳng với Iran còn khiến Trump rơi vào thế khó khi Tổng thống Mỹ đang phải trả giá vì xa lánh những người bạn cũ từng là một phần trong liên minh muốn cô lập giới lãnh đạo Iran.
"Mỹ đã bắt tay vào chiến dịch 'gây áp lực tối đa' với Iran khi có rất ít đồng minh cũng như thiếu suy tính trước về những hậu quả không mong muốn hay cách phản ứng nếu tính toán của họ là sai lầm, ví dụ như giả định rằng Iran sẽ chịu thua và tham gia đàm phán theo điều kiện từ phía Mỹ", Brett McGurk, cựu đặc phái viên của Trump trong liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bình luận. "Những giả định như vậy hiện bị hoài nghi sâu sắc, đồng nghĩa toàn bộ nền tảng chính sách của Trump đang suy yếu", McGurk nói.
Iran trong nhiều năm qua bị Mỹ coi là "cái gai trong mắt" khi sử dụng các lực lượng ủy nhiệm như Hamas và các chiến dịch tấn công mạng để nhắm vào các lợi ích của Mỹ. Họ cũng xây dựng kho tên lửa có thể vươn tới các mục tiêu trọng yếu của những đồng minh Mỹ ở Trung Đông.
Khi ký thỏa thuận hạt nhân 2015, tổng thống Mỹ Barack Obama tin rằng ông có thể dần thuyết phục Iran thay đổi hành vi này. Nhưng Tổng thống Trump có phương pháp tiếp cận trái ngược. Ông cố ép Iran thay đổi bằng cách coi JCPOA là một "thỏa thuận tồi", rút khỏi nó và tái áp đặt trừng phạt lên Iran nhằm bóp nghẹt mọi nguồn thu từ dầu mỏ của nước này, nhưng vẫn khăng khăng muốn Tehran tuân thủ thỏa thuận.
Vừa giữ an toàn cho tuyến đường lưu thông tàu chở dầu qua vịnh Ba Tư, vừa đối mặt với lập trường hạt nhân khiêu khích từ Iran là nhiệm vụ không đơn giản với Tổng thống Trump.
Việc đảm bảo an toàn cho Vùng Vịnh đòi hỏi phải có đủ tàu hải quân và năng lực trinh sát để theo dõi mọi diễn biến gần bờ biển Iran. "Nó cần một liên minh để thực hiện", John F. Kirby, cựu đô đốc hải quân Mỹ, người từng đảm nhiệm vị trí người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ trong quãng thời gian thảo luận thỏa thuận hạt nhân Iran, nhận xét. "Chúng ta không có đủ tàu để làm điều đó một mình".
Liệu Mỹ có thể thuyết phục các đồng minh khác điều tàu tham gia vào nỗ lực giám sát Iran hay không lại là một thách thức khác đối với chính quyền Tổng thống Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 16/6 gợi ý rằng Trung Quốc cùng các nước khác nên góp sức với Mỹ trong nỗ lực này bởi họ cũng bị phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ Trung Đông. Nhưng đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc, Nga hay ba cường quốc châu Âu còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran là Anh, Pháp và Đức sẵn sàng chung sức với Mỹ.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)