Các cơ sở giáo dục tư nhân trên khắp Hàn Quốc đang mở rộng quy mô, số lượng lớp học dành cho học sinh muốn thi trường y. Trong đó, một số lớp được tổ chức ban đêm cho công chức, nhân viên văn phòng muốn trở thành bác sĩ.
Mega Study, một học viện giáo dục tư nhân lớn, khai giảng lớp học đêm vào 18/3. Theo đại diện viện, phần lớn người đăng ký ở độ tuổi 30, đã tốt nghiệp các đại học danh tiếng, hiện làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tương tự, các cơ sở khác cũng tăng tốc quảng cáo để thu hút đối tượng học viên này. Một học viện lớn tên Etoos đăng quảng cáo: "Thật mừng vì số chỉ tiêu tuyển sinh tăng vọt. Vào trường y thật dễ dàng. Nhân viên văn phòng cũng nên thử sức!".
Trong làn sóng bác sĩ thực tập đình công, nhiều người vẫn cố để tranh suất được vào trường y. Ngày 7/3, một nguồn tin cho biết các trường y chỉ thừa 5 suất (tuyển bổ sung) cho năm 2024. Kết quả, hơn 3.000 người nộp đơn đăng ký giành suất này, tỷ lệ chọi vượt mức 1/600, trong khi con số tương tự của năm 2022 là 1/410,5.
Năm 2022, theo số liệu của Học viện Jongro, gần 1.900 sinh viên bỏ học ở các trường danh tiếng như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei. Năm 2023, hơn 25% thí sinh có thành tích cao tại kỳ thi đại học cũng từ chối lời mời nhập học của ba trường này.
Những sinh viên này muốn dành thời gian để ôn thi lại vào trường y, theo ông Lim Sung Ho, CEO của Trung tâm luyện thi Jongro Academy. Trong khi đó, không thí sinh nào của trường Y, Đại học Quốc gia Seoul, bỏ học. Các trường y khác cũng vậy.
Thống kê được Đảng Dân chủ Hàn Quốc công bố cuối tháng 3/2023 cho thấy gần 4.000 sinh viên y giai đoạn 2020-2023 đã thi lại nhiều lần trước khi trúng tuyển. Trong đó, khoảng 20% thi lại ba lần và 13,4% thi lại hơn bốn lần. Ông Kang Deuk Gu, đại diện Đảng Dân chủ, cho rằng số thí sinh thi lại phản ánh "nỗi ám ảnh lan tỏa" với ngành y trong cộng đồng học sinh ưu tú khắp cả nước.
"Rõ ràng mức lương cao và tính ổn định của công việc là nguyên nhân khiến sinh viên yêu thích ngành y", ông Hong Yoo Suk, Hiệu trưởng trường Kỹ thuật, Đại học Quốc gia Seoul, nhận định.
Khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc chỉ ra thu nhập trung bình năm của bác sĩ là 230,7 triệu won (4 tỷ đồng), gấp hơn hai lần mức thu nhập được coi là cao ở nước này. Con số này cũng cao hơn thu nhập trung bình 140 triệu won ở Tập đoàn Samsung, 100 triệu won ở nghề luật sư.
Người Hàn gọi những sinh viên xuất thân từ tầng lớp lao động, tìm được việc làm danh giá như bác sĩ là "con rồng bay lên từ dòng suối nhỏ". Chỉ 3% trong tổng số thí sinh được tuyển vào 40 trường y trên toàn quốc. Một nửa số bậc phụ huynh nước này mong muốn con họ trở thành bác sĩ.
Tuy nhiên, thu nhập của các bác sĩ nội trú tại Hàn Quốc chỉ khoảng 50 triệu won một năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình kể trên. Trong khi họ là những mắt xích quan trọng tại các cơ sở y tế, tham gia vào những thủ tục y khoa thiết yếu như cấp cứu hoặc phẫu thuật. Lương thấp, thường xuyên phải làm việc hơn 100 giờ mỗi tuần là nguyên nhân chính khiến các bác sĩ trẻ bất bình với chính phủ. Hiện Hàn Quốc có khoảng 140.000 bác sĩ, trong đó hơn 13.000 là bác sĩ nội trú.
Hôm 20/3, Hàn Quốc quyết định phân bổ thêm 2.000 chỉ tiêu cho các trường đại học y trên toàn quốc, bắt đầu tuyển sinh vào cuối năm nay. Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho đưa ra thông báo này, nhấn mạnh việc tăng chỉ tiêu nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại vùng sâu vùng xa, bổ sung nguồn lực cho các lĩnh vực y tế thiết yếu và ít phổ biến. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y cả nước trong vòng 27 năm.
Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của các bác sĩ và giáo sư y khoa. Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú tại bệnh viện đa khoa đã nghỉ việc để phản đối chính sách này.
Họ cho rằng tăng chỉ tiêu tuyển sinh làm giảm chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, khiến chi phí của bệnh nhân tăng theo, đồng thời dẫn tới tình trạng dư thừa bác sĩ. Các giáo sư y khoa tại nhiều trường đại học cũng quyết định nộp đơn xin từ chức hàng loạt vào 25/3.
Theo các chuyên gia, thực tế Hàn Quốc thiếu bác sĩ tại các chuyên ngành thiết yếu như phẫu thuật, nhi khoa, hồi sức cấp cứu, sản phụ khoa. Song, sinh viên y khoa ra trường có xu hướng chọn ngành da liễu và thẩm mỹ, do việc nhàn, lương cao. Nếu tăng thêm chỉ tiêu, áp lực cạnh tranh ở các nhóm ngành nổi tiếng sẽ cao hơn, trong khi đó các ngành thiết yếu vẫn chịu tình trạng thiếu bác sĩ.
Thục Linh (Theo Korea Herald)