Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho đưa ra thông báo này, nhấn mạnh việc tăng chỉ tiêu nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại vùng sâu vùng xa, bổ sung nguồn lực cho các lĩnh vực y tế thiết yếu và ít phổ biến. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y cả nước trong vòng 27 năm.
Theo thông báo, 1.600 trong số 2.000 chỉ tiêu (tương đương với 82%) được phân bổ cho 27 trường đại học bên ngoài khu vực thủ đô, nâng tổng số suất tuyển sinh của các trường này lên 72%. 15% còn lại dành cho trường y nằm ở tỉnh Kyunggi xung quanh Seoul và thành phố cảng phía tây Seoul. Các trường trong thành phố không tăng thêm chỉ tiêu nào.
Các trường công lập tăng thêm 200 chỉ tiêu mỗi trường, bao gồm Đại học Quốc gia Pusan, Đại học Quốc gia Chonnam và Đại học Quốc gia Kyungsang. Đại học Ajou ở Kyunggi và Đại học Inha ở Inch đều thăng thêm 120 chỉ tiêu.
Bộ Giáo dục cho biết việc phân bổ nguồn lực có thể giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế một cách dễ dàng hơn, dù ở bất cứ đâu trên cả nước. Hợp tác với các bộ, ban ngành liên quan, Bộ Giáo dục có kế hoạch củng cố cơ sở vật chất cá trường y ngay sau khi tăng chỉ tiêu.
"Việc mở rộng hạn ngạch tuyển sinh là bước đầu cho quá trình cải cách y tế, đánh dấu cơ hội thu hẹp khoảng cách dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa thủ đô và các vùng bên ngoài thủ đô", Bộ trưởng Lee cho biết.
Các trường đại học sẽ thông báo về chỉ tiêu mới vào khoảng tháng 5/2025.
Trước đó, kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối của các bác sĩ và giáo sư y khoa. Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú tại bệnh viện đa khoa đã nghỉ việc để phản đối chính sách này.
Họ cho rằng tăng chỉ tiêu tuyển sinh làm giảm chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, khiến chi phí của bệnh nhân tăng theo, đồng thời dẫn tới tình trạng dư thừa bác sĩ. Các giáo sư y khoa tại nhiều trường đại học cũng quyết định nộp đơn xin từ chức hàng loạt vào tuần tới.
Theo các chuyên gia, thực tế Hàn Quốc thiếu bác sĩ tại các chuyên ngành thiết yếu như phẫu thuật, nhi khoa, hồi sức cấp cứu, sản phụ khoa. Song, sinh viên y khoa ra trường có xu hướng chọn ngành da liễu và thẩm mỹ, do việc nhàn, lương cao. Nếu tăng thêm chỉ tiêu, áp lực cạnh tranh ở các nhóm ngành nổi tiếng sẽ cao hơn, trong khi đó các ngành thiết yếu vẫn chịu tình trạng thiếu bác sĩ.
Thục Linh (Theo Yonhap)